NỖ LỰC, THÀNH TỰU CỦA VIỆT NAM TRONG LĨNH VỰC BẢO ĐẢM THỰC THI QUYỀN CON NGƯỜI LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

Có thể thấy, trong nhiều năm qua, vấn đề dân nhủ, nhân quyền, tôn giáo… luôn được các thế lực thù địch sử dụng như một thứ vũ khí phục vụ cho hoạt động chống phá hòng chuyển hóa chế độ ở Việt Nam. Một trong những thủ đoạn thường xuyên được các phần tử cơ hội, thế lực thù địch sử dụng chính là xuyên tạc, bóp méo, phản ánh sai sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận là ở Việt Nam quyền con người luôn được tôn trọng, phát huy, nhân dân thực sự làm chủ đất nước và quyết định con đường phát triển của mình. Bằng chứng là:

Về mặt pháp lý, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định sự nhất quán về nội dung quyền con người, quyền công dân trong các Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992; đồng thời, bổ sung nhận thức mới đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phù hợp với tình hình mới của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện nay để từng bước cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân. Tính đến năm 2021, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Với các công ước quốc tế về quyền con người đã tham gia, Việt Nam cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, giữ vững các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế về nhân quyền.

Trên thực tế, bên cạnh về đích sớm nhất 5 trong tổng số 8 Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), Việt Nam đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam đang trở thành hình mẫu trong việc tiên phong cam kết và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc, được quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển con người (HDI) ở Việt Nam đã tăng 45,8% trong giai đoạn 1990 – 2019, trở thành một trong những nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới. Theo Báo cáo chỉ số hạnh phúc của Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam đứng thứ 83/156 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 11 bậc so với năm 2019. Số lượng nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay là 151 người, chiếm 30,26%, đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á; tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội khóa XV là 89 người, chiếm 17,84%. Từ năm học 2017 – 2018, đã có 22 tỉnh, thành phố (với 715 trường) tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số; 8 ngôn ngữ của dân tộc thiểu số được đưa thành môn học; nhiều bộ sách giáo khoa được xuất bản bằng tiếng dân tộc… Với những thành tựu đạt được trong việc bảo đảm nhân quyền, Việt Nam đã được toàn thể Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề cử với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Có thể thấy, việc Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025 chính là minh chứng rõ nét cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, đồng thời, khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang tiếp tục thực hiện đường lối đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đưa đất nước vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, Đảng ta chỉ rõ: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Từ những dẫn chứng trên cho thấy, những nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm thực thi quyền con người là không thể phủ nhận, xuyên tạc!

H.X

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.