LẠI LÀ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỦ TRƯƠNG XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CỦA VIỆT NAM

Trong những năm qua, xuất khẩu lao động là chủ đề thường xuyên bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội lợi dụng xuyên tạc nhằm bôi nhọ, hạ uy tín Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Nhất là mỗi khi cơ quan chức năng thông tin về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi tháng hay mỗi năm, các tổ chức, cá nhân lại tung ra các luận điệu xuyên tạc bản chất của chính sách này nhằm vu khống Đảng, Nhà nước trục lợi trên mồ hôi, công sức người dân tham gia xuất khẩu lao động hòng chia rẽ, kích động chống phá chế độ. Sự thật thì sao?

Thứ nhất, xuất khẩu lao động là một hình thức hoạt động mua – bán hàng hóa sức lao động của trong nước cho những người sử dụng lao động nước ngoài, một trong những hình thức cung ứng lao động phổ biến hiện nay trên phạm vi toàn cầu, không chỉ riêng mỗi Việt Nam. Bằng chứng là, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966 của Liên hợp quốc đã dành Điều 7 quy định về sự bình đẳng, được bảo đảm các điều kiện làm việc giữa các lao động. Việc thực hiện quyền này chỉ bị những hạn chế quy định trong pháp luật và cần thiết đối với một xã hội dân chủ, vì lợi ích của an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hoặc vì mục đích bảo vệ các quyền và tự do của những người khác. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong Công ước số 98 năm 1949 và Công ước số 143 năm 1975 về lao động di cư bước đầu đã thể chế hóa quyền của lao động di trú. Trên cơ sở đó, Liên hiệp quốc đã ban hành Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ năm 1990. Công ước này đã có những quy định cụ thể về quyền làm việc của lao động di cư tại các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền làm việc của lao động di cư trong thực tế.

Chưa cần nói đâu xa, chỉ tính trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN), xuất khẩu lao động là hoạt động đóng vai trò quan trọng đối với các nước trong khu vực, nhất là trong giải quyết tình trạng thất nghiệp, góp phần ổn định an sinh xã hội. So với các nước ASEAN, hoạt động xuất khẩu lao động Việt Nam còn diễn ra muộn hơn. Là một quốc gia tham gia sâu rộng, tích cực, toàn diện vào quá trình hội nhập quốc tế như Việt Nam, đang trong giai đoạn “dân số vàng”, có nguồn lao động dồi dào, việc Việt Nam tham gia cung ứng lao động cho các thị trường có nhu cầu trên thế giới là điều bình thường và cần thiết.

Thứ hai, về chính sách quan tâm, bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài

Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020, Nghị định số 112/2021/NĐ-CP ngày 10/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; nhất là Bộ luật Lao động năm 2019, đã tạo khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh thúc đẩy việc bảo vệ quyền của người lao động di cư theo tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) từ tháng 11/2007; đã và đang tích cực triển khai các chính sách và biện pháp trong khuôn khổ Kế hoạch quốc gia về thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (thỏa thuận GCM). Việt Nam cũng tham gia tích cực các hoạt động của ILO cũng như các diễn đàn quốc tế, trong nước trên lĩnh vực này. Điều đó đã thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, khẳng định những nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và những tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động đưa công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Từ những dẫn chứng trên cho thấy, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, việc Việt Nam chủ trương mở rộng thị trường xuất khẩu lao động là hoàn toàn bình thường. Chỉ có việc các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc chủ trương xuất khẩu lao động và chính sách quan tâm, bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài của Đảng, Nhà nước ta mới bất thường mà thôi!

(A.N)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *