TĂNG CƯỜNG BẢO ĐẢM AN TOÀN THÔNG TIN, AN NINH MẠNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Ngày nay, Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào không gian mạng toàn cầu. Hệ thống mạng viễn thông, Internet của nước ta kết nối trực tiếp với mạng viễn thông, Internet quốc tế. Do đó, Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tình hình, diễn biến phức tạp của an ninh mạng thế giới. Các thế lực thù địch, phản động cũng tăng cường hoạt động lợi dụng không gian mạng, triệt để sử dụng những tiện ịch, công nghệ tiên tiến nhất của hệ thống mạng viễn thông, Internet để chống phá nước ta.

Thực tế trên cho thấy bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng là yêu cầu có tính cấp bách, hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam với mục tiêu đặt ra, đó là: chú trọng nhiệm vụ xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Nhiều chính sách, pháp luật được ban hành, như: Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình an toàn thông tin, an ninh mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, không gian mạng tiếp tục là mục tiêu trọng yếu của các cuộc tấn công, là môi trường chủ yếu để tiến hành các hoạt động gián điệp, khủng bố, phá hoại, thực hiện các hành vi phạm tội ngày càng gia tăng; đặc biệt là tuyên truyền xuyên tạc, kích động chống  phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, các tổ chức tội phạm đã đặt đất nước ta trước những nguy cơ, thách thức về an ninh mạng. Theo số liệu công bố trong Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (2021), số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam không ngừng gia tăng, năm 2017 là 13.382 cuộc, năm 2018 là 10.220 cuộc, năm 2019 là 5.176 cuộc và năm 2020 là 6.829 cuộc. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã có 5.463 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam.

Những năm qua, Bộ Thông tin – Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn hàng trăm trang mạng phát tán hình ảnh, video văn hóa đồi trụy, các trò chơi trực tuyến không phép, các trang game bài, cờ bạc, các trang web khiêu dâm có tính chất tiêu cực đối với thế hệ trẻ, gỡ hàng trăm tài khoản Facebook giả mạo cá nhân, tổ chức chuyên tung tin kích động chống phá nhà nước Việt Nam; nhiều bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… Theo thống kê của Bộ Công an, trong 5 năm qua, đã phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 2.300 chuyên án, khởi tố hơn 1.100 vụ với hơn 1.000 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Ðáng chú ý ở Việt Nam, thanh thiếu niên, trẻ em đang chiếm tới 1/3 số người sử dụng Internet. Ðây là đối tượng rất dễ tổn thương khi bị xâm phạm riêng tư và thông tin cá nhân; dễ bị tiếp xúc với các nội dung bạo lực, khiêu dâm; có nguy cơ cao bị tấn công, xâm hại tình dục, bắt nạt trực tuyến…

Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, cũng như hạn chế những tác động tiêu cực từ không gian mạng đối với an ninh đất nước, trong thời gian đến, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các chủ trương của Đảng về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, trọng tâm là Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”; tổ chức thực hiện nghiêm Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành; quản lý chặt chẽ các loại hình dịch vụ viễn thông.

Thứ hai, tổ chức phổ biến, tập huấn để nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác công – tư trong bảo đảm an ninh, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng ở Việt Nam, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp nhằm khai thác tối đa nguồn lực xã hội trong hoạt động này. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Thứ ba, tập trung xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ không gian mạng, bảo đảm an ninh kinh tế số, đào tạo kết hợp kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ với bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh bảo vệ không gian mạng; xây dựng quyền kiểm soát, xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, áp dụng các biện pháp bảo vệ liên tục về thông tin với các hệ thống thông tin quan trọng của quốc gia, sớm phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với các tội phạm tấn công mạng, gián điệp mạng, góp phần xây dựng môi trường xã hội ổn định cho cả cộng đồng.

Thứ tư, các tổ chức, cá nhân cần trang bị kiến thức, nắm bắt các thủ đoạn tấn công mạng và cách thức xử lý; thiết lập những thói quen thường xuyên bảo vệ thông tin của cá nhân, tổ chức như sử dụng phần mềm quét virus, sao lưu dự phòng bằng ổ cứng ngoài, dịch vụ lưu trữ đám mây; nghiên cứu kỹ trước khi bấm like (thích) và share (chia sẻ) các thông tin, bài viết, đường link, nếu có nghi ngờ phải kiểm tra nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân qua Trung tâm xử lý tấn công mạng Việt Nam.

(BVTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.