Lợi dụng “tự do báo chí” để xuyên tạc, chống phá: Thủ đoạn cũ nhưng nguy hiểm!

Đến hẹn lại lên, cứ mỗi lần có bất kỳ đối tượng nào lợi dụng, núp bóng “tự do báo chí” để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá chính quyền bị cơ quan chức năng tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra, xét xử thì những “anh em làng dân chủ” lại đồng thanh gào thét, quy chụp, xuyên tạc, đả kích Việt Nam. Chúng lu loa lên rằng Việt Nam “đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí”, “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”… Cùng với các “nhà dân chủ cuội” trong nước và lưu vong, những tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam như: Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF), Tổ chức Bảo vệ ký giả (CPJ), Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Đài Á châu tự do (RFA)… liên tục đăng tải các bài viết, hình ảnh xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền và đòi Chính phủ Việt Nam “phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho những “nhà báo” đang bị giam giữ… Thật không gì lố bịch hơn!

Từ cố tình đánh đánh lận bản chất…

Tự do báo chí là quyền cơ bản, thiêng liêng, biểu hiện cho sự tiến bộ, phát triển của xã hội. Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là tự do không có giới hạn mà bao giờ cũng phải trong khuôn khổ pháp luật, gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Điều 29 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền (1948) khẳng định: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng, trong khi hưởng thụ các quyền về tự do cá nhân, phải chịu những hạn chế do luật định nhằm mục đích duy nhất là bảo đảm việc thừa nhận và tôn trọng đối với các quyền tự do của người khác và phù hợp với những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (1966) cũng quy định rất cụ thể rằng: 1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận… 3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 của điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, có thể dẫn tới một số hạn chế nhất định. Tuy nhiên, những hạn chế này phải được pháp luật quy định và cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng”. Như vậy, theo luật pháp và nguyên tắc quốc tế, nhân quyền nói chung và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nói riêng không phải là vô hạn, mà trong các trường hợp cụ thể phải được chế định bởi luật pháp của từng quốc gia.

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn ủng hộ và bảo đảm thực thi trên thực tế quyền tự do ngôn luận nói chung, tự do báo chí nói riêng và cụ thể hoá bằng các văn bản pháp lý phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế cũng như đặc thù của đất nước. Theo đó, Điều 25 Hiến pháp ghi rõ “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí năm 2016 đã dành hẳn cả Chương II để nói về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”. Tuy vậy, các thế lực phản động, thù địch vẫn cố tình đánh lận bản chất khi cho rằng, tự do ngôn luận, tự do báo chí chính là kiểu tự do “vô thiên vô pháp”. Từ đó, ra sức cổ suý cho những đối tượng có hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để làm phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Đến hành vi chống lưng cho những kẻ ngồi xổm trên luật pháp…

Mới đây, sau khi Toà án nhân dân huyện Thới Lai (Cần Thơ) đưa ra xét xử công khai và tuyên án 5 đối tượng thuộc nhóm “Báo sạch”, không ngoài dự đoán, RSF, CPJ và một số tổ chức, phần tử cơ hội khác cũng đã đồng thanh phản đối các bản án này và lớn tiếng vu cáo Việt Nam “vi phạm quyền tự do ngôn luận”, “gia tăng đàn áp truyền thông độc lập”, yêu cầu Việt Nam “ngưng đàn áp các nhà báo”, “phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” cho những “nhà báo” đang bị giam giữ …

Sự thật thì, Trương Châu Hữu Danh và đồng bọn không phải là nhà báo. Các bài viết và clip do các đối tượng này thực hiện có tư tưởng mang tính phá hoại, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền. Một thời gian dài, Trương Châu Hữu Danh cùng với đồng bọn của mình đã núp dưới vỏ bọc là những “nhà báo tự do”, “người phản biện” để bàn luận, đưa thông tin theo kiểu chủ quan, phiến diện, công kích, bôi nhọ không ít tổ chức, cá nhân. Không chỉ dừng lại ở đó, núp dưới danh nghĩa “Báo sạch”, Trương Châu Hữu Danh cùng đồng bọn còn tiến hành “tống tiền” doanh nghiệp thông qua các hợp đồng truyền thông, hỗ trợ pháp lý… Đấy nếu không phải là hành động coi thường, ngồi xổm trên pháp luật thì gọi là gì cho đúng? Cần khẳng định lại một điều là, ở Việt Nam, không có cái gọi là nhà báo độc lập, nhà báo công dân như khái niệm một số tổ chức thiếu thiện chí đang lợi dụng. Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ở Việt Nam, người dân có nghĩa vụ tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Và đương nhiên, khi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì bất cứ ai nếu có hành vi vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý. Những cái tên như Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Phước Trung Bảo, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang, Lê Thế Thắng thực chất là những kẻ chuyên lợi dụng dân chủ, nhân quyền, quyền tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin để thực hiện các hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vi phạm pháp luật thì phải bị trừng trị thích đáng, đó là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, các tổ chức thù địch, phản động lại ra sức bao che, dung túng cho những phần tử chống đối kia thực hiện các hành vi sai trái và cố tình lươn lẹo, lập lờ đánh lận con đen khi cho rằng Việt Nam “đàn áp nhà báo độc lập” và gây áp lực lên chính quyền Việt Nam, đòi thả tự do cho các đối tượng phạm pháp đó. Thủ đoạn này tuy không có gì mới mẻ nhưng lại hết sức nguy hiểm, cần phải bị lên án mạnh mẽ!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.