Lợi dụng hoạt động tôn giáo gây bất ổn chính trị – Hành vi vi phạm pháp luật
Thời gian vừa qua, có một số chức sắc tôn giáo đã có những hành vi xúi giục, kích động giáo dân biểu tình chống đối chính quyền. Đó là hành vi không những vi phạm quy định của pháp luật, mà còn đi ngược lại với phương châm lẽ sống của những người tiền nhân sáng lập ra các tôn giáo. Đây cũng là những chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam. Chúng tôi đã phỏng vấn Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Trường Sĩ quan Chính trị để làm rõ hơn vấn đề vừa nêu.
Thưa đồng chí, thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” ở Việt Nam, các thế lực thù địch luôn lợi dụng các tôn giáo và một số chức sắc tôn giáo để thực hiện các hành vi gây bất ổn xã hội như kích động giáo dân biểu tình, chống đối chính quyền. Theo đồng chí, động cơ thực sự đằng sau vấn đề này là gì?
– Có thể thấy, thời gian gần đây, lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, một số chức sắc tôn giáo đã có những hành vi trái pháp luật, kích động giáo dân biểu tình chống đối chính quyền. Có thể kể đến các vụ việc điển hình như kích động, lôi kéo bà con giáo dân xuống đường, lấy cớ tuần hành phản đối Công ty Formosa, phản đối trạm thu phí BOT Vinh gây ách tắc quốc lộ 1A, phá hoại tài sản, chống người thi hành công vụ… Theo tôi, mục đích của những hoạt động này là nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị – xã hội, cản trở quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, gây bất ổn định chính trị – xã hội ở trong nước, đưa vấn đề tôn giáo trở thành vấn đề quốc tế, tạo cớ để các thế lực phản động bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta.
– Trong Luật Khiếu nại, tố cáo, tại Điều 6 có quy định: “Cấm kích động, xúi giục cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người gây rối an ninh trật tự”. Như thế thì rõ ràng là những chức sắc tôn giáo mà có hành vi kích động người dân biểu tình chống đối chính quyền là vi phạm pháp luật…
– Có thể khẳng định rằng, Việt Nam luôn tôn trọng, tạo điều kiện và bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Tuy nhiên, trong Luật này tại Điều 9 ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tín ngưỡng tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Như vậy, rõ ràng là những chức sắc tôn giáo có hành vi kích động giáo dân biểu tình, chống đối chính quyền thời gian qua đều là hành vi bất chấp, thách thức pháp luật, coi thường chính quyền, không coi trọng sức khỏe, an toàn tính mạng giáo dân và cộng đồng. Những việc làm trên đã gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sản xuất của người dân và sự tôn nghiêm của pháp luật. Đồng thời, còn đi ngược lại với đường hướng giáo lý, giáo luật của các tôn giáo, trái với chức trách, bổn phận của chức sắc tôn giáo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của giáo hội Công giáo Việt Nam.
– Vâng, thưa Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, bản thân mỗi tôn giáo và những người sáng lập ra các tôn giáo luôn hướng con người làm điều thiện, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Vậy hành động của các chức sắc tôn giáo nêu trên không chỉ là vi phạm pháp luật như đồng chí vừa phân tích, mà còn đi ngược lại với mục đích, tôn chỉ hoạt động của tôn giáo… Tiến sĩ có ý kiến gì về quan điểm này?
– Trước hết, cần khẳng định rằng, bản chất của tôn giáo chân chính là luôn hướng con người đến chân – thiện – mỹ, tức là đến những giá trị tốt đẹp nhất của con người. Đức Phật, Đức Jesus hay Đức Chúa Trời… không bao giờ răn dạy các tín đồ của mình phải làm điều ác, trái với đạo đức, luân thường, đi ngược lại với các quy định của pháp luật. Đức tin của các tôn giáo đều có chung khát vọng dẫn đường cho con người tu tập, thực hành giáo lý, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, xã hội phồn vinh, hướng con người đến với sự tốt đẹp, sống đoàn kết, lương thiện và nhân ái. Một số người làm sai kể trên thật sự là những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Nhìn tổng thể thì nhiều năm qua, tín đồ, chức sắc chân chính của các tôn giáo ở Việt Nam đã, đang đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Các vị chức sắc, tín đồ làm điều sai trái cần cảm thấy hổ thẹn với những tấm gương chức sắc, tín đồ chân chính đang nỗ lực thực hành giáo lý, giáo luật, đóng góp công sức, tiền của nhằm xây dựng xã hội ngày càng tươi đẹp, phồn vinh hơn. Cũng cần nhấn mạnh rằng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, nhưng cũng nghiêm cấm việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để mua chuộc, dụ dỗ, xâm hại đến quyền và lợi ích của công dân, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, mỗi chức sắc, tín đồ và người dân hãy đề cao cảnh giác, không đi theo cổ súy cho những hành động sai trái đó, kịp thời tố giác, ngăn chặn hành vi của các đối tượng lợi dụng tôn giáo, vi phạm pháp luật. Đó cũng là phương cách để bảo vệ chính mình, bảo vệ xã hội và chính là bảo vệ các tôn giáo chân chính đang hoạt động bình thường trên đất nước Việt Nam.
– Qua những sự việc nêu trên, theo đồng chí, cơ quan chức năng, chính quyền cần có giải pháp gì để các chức sắc tôn giáo hoạt động đúng pháp luật?
– Theo tôi, để cho các chức sắc, tôn giáo đó có thể nhận ra được vấn đề và hoạt động đúng pháp luật, cùng với việc đấu tranh lên án hành vi sai trái, chúng ta rất cần thường xuyên gặp gỡ để nắm tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải quyết các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của các chức sắc tôn giáo, không để xảy ra các sự việc phức tạp liên quan đến tôn giáo, tạo sự thân thiết, cởi mở giữa chính quyền các cấp với chức sắc tôn giáo. Trân trọng, ghi nhận đóng góp của cá nhân, tổ chức tôn giáo để khích lệ họ nâng cao trách nhiệm công dân trong thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương. Qua gặp gỡ, thông tin cho các chức sắc tôn giáo về những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, về hoạt động chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo, lợi dụng niềm tin của người dân có hành vi kích động, chia rẽ đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, ảnh hưởng tới an ninh chính trị của đất nước.
– Vâng, trân trọng cảm ơn đồng chí!
Diệp Chi/BIÊN PHÒNG