Nhận diện thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân

“Nước Việt Nam là một khối thống nhất về mặt dân tộc, lịch sử và kinh tế, và không một lực lượng nào trên thế giới có thể chia cắt được Việt Nam”. Đây là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Diễn từ tiệc chiêu đãi ở Bêôgrát (Nam Tư)”, Báo Nhân dân đăng trên số 1248, ngày 8/8/1957. Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã giúp chúng ta vượt qua những thách thức, cam go của lịch sử, đánh thắng các kẻ thù xâm lược, bảo vệ và xây dựng đất nước đi lên CNXH. Thế nhưng, các thế lực thù địch chống phá Việt Nam lại không mong muốn điều đó, họ luôn ra sức tung hô, cổ xúy cho các hành vi kích động bạo lực, gây hận thù dân tộc, chia rẽ đồng bào lương giáo, ngăn cách đồng bào các dân tộc thiểu số, phá vỡ sự kết nối giữa lòng dân với ý Đảng.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn gắn bó, gần gũi với đồng bào các dân tộc nơi biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Ảnh: Lam Hồng

Giáo sư, Tiến sĩ Mạch Quang Thắng, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh phải luôn giữ vững được niềm tin của nhân dân, đó là cơ sở cho sự đoàn kết, thống nhất trong toàn dân. “Tài sản lớn nhất của Đảng là niềm tin của dân. Mất niềm tin là mất tất cả”.

Ở nước ta, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, các thế lực thù địch, phản động xoáy sâu vào những điểm nóng, tập trung mũi nhọn chống phá vào các vấn đề dân tộc, tôn giáo. Thời gian gần đây, các đối tượng nước ngoài liên tục tung tiền, chi phối, giật dây điều khiển các đối tượng cơ hội chính trị trong nước, kích động, lôi kéo nhân dân, tập hợp lực lượng để thành lập các Nhà nước tự xưng như Nhà nước của người Mông, Nhà nước Đề Ga tự trị, Nhà nước của đồng bào Khmer…

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thủy, Chủ nhiệm Khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học, Học viện Chính trị phân tích: “Chúng kích động mâu thuẫn giữa các dân tộc, lôi kéo quần chúng, chống đối chính quyền, kích động đồng bào dân tộc thiểu số di cư trái phép, gây mất ổn định về chính trị xã hội, từ đó, tạo cớ để các lực lượng chính trị bên ngoài can thiệp. Chúng lợi dụng những vấn đề có tính lịch sử để lại để đòi li khai tự trị, tìm cách luật pháp hóa, quốc tế hóa những vấn đề dân tộc, tôn giáo để từ đó tiếp cận chỉ đạo bọn phản động trong nước và ngoài nước kết hợp với nhau hỗ trợ bọn phản động cực đoan trong nước để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta”.

Thực tế cho thấy, đồng bào các dân tộc, tôn giáo trên lãnh thổ Việt Nam đều được chung sống hòa bình, bình đẳng và tích cực đóng góp cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Các đồng bào tôn giáo đều một lòng hướng thiện, sống tốt đời đẹp đạo, kính chúa yêu nước, chỉ những người nhẹ dạ, cả tin hoặc những chức sắc tôn giáo bị tác động, chi phối bởi các thế lực thù địch mới luôn có tư tưởng và âm mưu chia rẽ đồng bào lương giáo. Đại đức Thạch Dương Trung, Trụ trì chùa Cót Đôn, tỉnh Bạc Liêu và Linh mục Vũ Thanh Lịch, thuộc Giáo phận Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk khẳng định như vậy.

“Đảng, Nhà nước chúng ta luôn hỗ trợ, ủng hộ các tôn giáo đều sinh hoạt tín ngưỡng bình đẳng với nhau. Các dân tộc đều có quyền sinh sống bình đẳng, không có sự đàn áp một dân tộc nào. Không chỉ dân tộc Khmer, các dân tộc khác cũng đều như vậy, đều sống bình đẳng” – Đại đức Thạch Dương Trung nói.

Linh mục Vũ Thanh Lịch nhấn mạnh: “Đạo công giáo với tinh thần bác ái, yêu thương, phục vụ và ai cũng có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Và đặc biệt là người Việt Nam chúng ta, bất kể tôn giáo nào đều có lòng yêu nước thiết tha và sẵn sàng đóng góp mọi mặt cho quê hương mình”.

Theo phân tích của nhà báo Hồng Thanh Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Đại đoàn kết, một số quốc gia hiện nay đang rơi vào chiến tranh, ly khai, loạn lạc đều có bàn tay can thiệp, đạo diễn từ các thế lực bên ngoài. Thông qua đồng tiền, các thế lực bên ngoài khống chế, hà hơi tiếp sức cho các thế lực đối lập, phản động trong nước, thổi bùng lên thành những mâu thuẫn và sau đó dẫn đến sự can thiệp của nước ngoài, dưới hình thức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ dân chủ, nhưng kết cục thì hoàn toàn ngược lại.

Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam là một thực thể thống nhất, đồng bào các dân tộc, tôn giáo đều là người dân nước Việt Nam, được quan tâm, chăm lo và bình đẳng trước pháp luật. Mỗi người dân đều có trong mình lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc. Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, lòng yêu nước và truyền thống yêu nước của dân tộc từ bao lâu nay trong lịch sử đã trở thành tài sản, giá trị thiêng liêng, cao quý của dân tộc Việt Nam. Mỗi người dân Việt Nam, không chỉ ôm giữ niềm tự hào, mà cần phải đánh thức, làm sống dậy niềm tự hào đó. Trước hết đó là, bảo vệ tinh thần đoàn kết dân tộc, không nghe theo những xúi giục, kích động của các phần tử bất mãn và các thành phần chống phá chế độ.

“Người dân thì có thể do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin, thiếu cân nhắc, tỉnh táo khi quyết định hành vi ứng xử của mình, nhưng kẻ xấu thì làm việc này có tính toán. Chúng chống phá sự phát triển tốt đẹp, bình yên của đất nước chúng ta, chống phá chế độ và muốn chúng ta đi chệch con đường mà Đảng ta, nhân dân ta đã lựa chọn, đó là con đường CNXH” – Giáo sư Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Cách đây 6 thế kỷ, sau khi đập tan ách thống trị, đô hộ 20 năm của giặc Minh, Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Tinh thần và tư tưởng đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân và binh sĩ đã trở thành mạch nguồn làm nên sức mạnh để chúng ta đương đầu vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp như hiện nay, cùng với việc nâng cao tinh thần chủ động phát hiện, đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch, cũng cần huy động sự vào cuộc tích cực của nhân dân. Đây sẽ là “bức tường” vững chắc để ngăn chặn mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trường Giang/Biên Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.