NHỮNG BẢN PHÚC TRÌNH SẶC MÙI VU CÁO, XUYÊN TẠC…
Hôm 16/01 vừa qua, nhà đài RFA đăng tải bài viết có tựa đề “Báo cáo của HRW và CPJ: Tô Lâm lên nắm quyền lực, nhân quyền Việt Nam càng đi xuống” trong đó có nhiều nội dung vu cáo, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền của Việt Nam. Theo đó, 2 tổ chức này cho rằng Chính phủ Việt Nam tiếp tục giam giữ 170 “nhà bất đồng chính kiến”, tăng 10 người so với năm trước và vẫn ở trong nhóm “các quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới”. Chưa dừng lại ở đó, HRW còn xuyên tạc trắng trợn rằng trong năm 2024, xu hướng nhắm vào các “nhà báo, nhà hoạt động vì quyền lao động và những người bảo vệ nhân quyền” vẫn tiếp diễn và cơ quan công an tiến hành giám sát chặt chẽ mạng xã hội và bắt giữ những người mà họ cho là “đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.Đồng thời, dẫn chứng phát biểu của Nguyễn Viết Dũng – đối tượng vừa chấp hành xong án phạt 6 năm tù với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước” hồi tháng 9/2023 mà tổ chức này khoác cho chiếc áo “tù nhân lương tâm”. Về phía CPJ, bản phúc trình của tổ chức này xếp Việt Nam nằm trong nhóm “chín quốc gia có nhiều nhà báo bị giam giữ nhất thế giới trong năm 2024” với 16 người hiện đang bị cầm tù. Và cho rằng, việc xếp hạng được cải thiện hơn so với năm ngoái là do một số đối tượng mà tổ chức này gọi là “nhà báo” được trả tự do trong năm qua như Huỳnh Thục Vy, Trần Huỳnh Duy Thức… Vậy đâu mới là sự thật?
Thứ nhất, ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về dân sự, chính trị… được bảo đảm, bảo vệ bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, được thực hiện một cách công khai, minh bạch trong thực tiễn. Hiến pháp năm 2013 đã dành hơn 1/4 dung lượng (với 36/120 điều) để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; là cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Cùng với đó, Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc trong vòng 10 năm qua và đang tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 – 2028. Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên Hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. Đồng thời, cam kết thực hiện và coi đó là trách nhiệm chính trị, pháp lý của Nhà nước.
Thứ hai, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo Hiến pháp năm 2013, gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân đối với xã hội. Có nghĩa là, dân chủ đi liền với kỷ cương và được thể chế hóa bằng pháp luật; tự do phải đi cùng với trách nhiệm, bảo đảm chuẩn mực, nguyên tắc pháp lý, đạo đức xã hội… Do vậy, cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tại Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của người dân sẽ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng theo đúng chuẩn mực Công ước quốc tế về nhân quyền. Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Mọi tổ chức, cá nhân sinh sống, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án. Chính vì thế, không có chuyện nhắm vào các “nhà báo, nhà hoạt động vì quyền lao động và những người bảo vệ nhân quyền” và bắt giữ những người được cho là “đe dọa đến độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản”.
Thứ ba, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là “nhà hoạt động vì quyền lao động”, “những người bảo vệ nhân quyền”, “tù nhân lương tâm” như các tổ chức này gán cho các đối tượng trên mà chỉ có những đối tượng vi phạm pháp luật bị các cơ quan chức năng truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Đây thực chất là các khái niệm mà thế lực phản động, thù địch dựng lên để phục vụ cho mục đích bóp méo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Bằng thủ đoạn hô biến các đối tượng vi phạm pháp luật thành những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, HRW và CPJ nói riêng, các thế lực thù địch nói chung đang cố tình kích động, cổ súy các đối tượng vi phạm pháp luật, bất mãn, cơ hội chính trị, đánh lừa dư luận, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền. Chúng ta cần hết sức tỉnh táo, đấu tranh phản bác mạnh mẽ!
Hoà Xuân