Về vấn đề góp ý vào các văn kiện và nhân sự Đại hội XIV của Đảng
Trung ương vừa gửi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng để lấy ý kiến của các chi bộ, đảng bộ cơ sở . Nhân cơ hội này, trên các trang mạng tung ra hàng loạt bài của những người khác chính kiến viết đòi góp ý vào việc chuẩn bị các văn kiện và nhân sự Đại hội XIV của Đảng sẽ họp vào đầu năm 2026.
Về văn kiện, họ cho rằng, “qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, thấy các báo cáo chính trị có nêu bài học kinh nghiệm, nhưng chưa có gì sắc sảo, hình như chỉ viết ra cho đủ đề mục. Đại hội VI và IX có 4 bài, Đại hội VII có 5 bài, Đại hội VIII có 6 bài. Tại 4 Đại hội (từ 10 đến XIII), mỗi báo cáo có đúng 5 bài mà nội dung các kinh nghiệm hình như không được đúc rút ra từ thực tế mà là do lập luận bằng lý thuyết và con số 5 bài hình như là chuẩn mực cần có”. “Các báo cáo của Đại hội toàn quốc hình như mới chỉ viết ra một phần của sự thật, đó là phần thành tích, còn phần thiếu sót và sai lầm chỉ viết qua loa”. “Ngoài văn kiện Đại hội VI, tôi (người viết bài “Góp ý vào việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng”) không tìm thấy ở một báo cáo nào khác viết về sự cần thiết nhìn thẳng vào và nói rõ sự thật”…
Về nhân sự, họ nói rằng, “liên quan đến nhân sự, đặc biệt là ở cấp chiến lược, Đảng đã có nhiều văn bản về đường lối, về tiêu chuẩn và quy hoạch cán bộ. Tuy rằng, văn bản nào cũng ghi là chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hoặc Bộ Chính trị, nhưng thực chất đều viết theo ý kiến của một người là Tổng Bí thư. Đó là những văn bản dài dòng. Khi tách ra từng câu để xem xét thì câu nào cũng hay, cũng có ý nghĩa, nhưng ghép lại trong từng đoạn và trong toàn bộ thì mới lộ ra những sáo rỗng và gán ghép khập khiễng, chứa đựng một số điều phản dân chủ, phản khoa học”…
Những góp ý trên đây không phải là góp ý chân thành, mà là sự đả kích vào Đảng, bóp méo, xuyên tạc sự thật. Những thông tin đó gây hoang mang, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, gây nhiễu loạn dư luận xã hội.
Về các văn kiện Đại hội: Qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nổi bật lên một vấn đề là những văn kiện của Đại hội đều có sức mạnh tổng hợp. Những bài học mà Đảng đã tổng kết đều mang tính khái quát cao, vạch ra được đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, phản ánh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Các báo cáo đều phản ánh sự thật xã hội, sự thật trong Đảng. Ngoài những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, các báo cáo cũng vạch ra một cách nghiêm túc những sai lầm mà Đảng đã phạm phải để có những giải pháp sửa chữa kịp thời; rất ăn ý giữa “xây” và “chống”. Những bài học mà Đại hội rút ra đều mang tính lý luận sâu sắc, xuất phát từ tình hình thực tế của cách mạng Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Như các bài học kinh nghiệm mà Đại hội XIII của Đảng đã nêu, có thể khái quát lại:
– Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị, thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực, kiên quyết, kiên trì, đấu tranh phòng, chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
– Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữ Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
– Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển.
– Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội.
– Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo tình hình, tuyệt đối không được để bị động bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu sắc trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường1.
Về công tác nhân sự: Đảng đã xem công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính thị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương2. Trung ương nhấn mạnh, những người tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương lần này phải thực sự là người có đức, có tài, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị. Đức và tài tạo thành phẩm chất người cán bộ. Tuyệt đối không để cho những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất vào các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là cấp chiến lược. Muốn vậy, ngoài việc thực hiện đúng các quy trình, còn phải tham khảo ý kiến của nhân dân, vì tai mắt của nhân dân bao giờ cũng sáng suốt trong việc nhìn nhận công tác cán bộ.
Quá trình chuẩn bị biên soạn các văn kiện và quá trình làm công tác nhân sự của Đại hội là một quá trình chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Các tiểu ban văn kiện và nhân sự được thành lập. Sau khi được thành lập, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, các tiểu ban đã tích cực khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc hết sức chu đáo; tổ chức nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, khảo sát thực tế; thảo luận dân chủ, công khai, bàn bạc thấu tình đạt lý, làm từ dưới lên và từ trên xuống, tạo một không khí phấn khởi trong toàn Đảng, toàn dân.
Có thể rút ra một số vấn đề về góp ý vào các văn kiện và nhân sự Đại hội XIV:
Một là: Khi góp ý, người góp ý phải hết sức trung thực. Trung thực là đức tính cần có và phải có. Từ trung thực mà bảo đảm tính chính xác về nội dung góp ý. Muốn trung thực phải có bản lĩnh, có lập trường tư tưởng vững vàng.
Hai là: Khi góp ý, tuyệt đối không được chủ quan duy ý chí, mà phải hết sức khách quan. Chủ quan là trên nhận thức riêng của mình, không sát với thực tế khách quan: nhận định chủ quan. Khách quan là khách thể, thuộc về khách thể, do khách thể quyết định. Khách quan là những gì tồn tại ngoài ý thức con người: sự thật khách quan. Khách quan còn là thái độ nhận xét sự vật, căn cứ vào sự thật bên ngoài.
Ba là: Khi góp ý phải hết sức thiện chí, có ý thức xây dựng đàng hoàng, không vòng vo, thiên thẹo, không đổi trắng thay đen, không tô hồng mà cũng không được bôi đen.
Bốn là: Khi góp ý phải nhận thức cho đúng vấn đề, phải có sự sàng lọc, lựa chọn, cân nhắc cẩn thận mỗi khi góp ý; không góp ý bừa, góp ý cẩu thả, góp ý vô trách nhiệm.
Năm là: Khi góp ý phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; tự phê bình và phê bình. Nhớ rằng, Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đồng thời, thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình để phát triển Đảng.
Sáu là: Phải có phương pháp góp ý cho đúng. Phương pháp là cách thức đạt tới mục tiêu, là hoạt động được sắp xếp theo một trật tự nhất định, trình tự cần theo trong những bước có quan hệ với nhau khi tiến hành một việc có mục đích nhất định. Phương pháp gắn bó chặt chẽ với lý luận, tác động vào lý luận để làm sáng tỏ thêm những vấn đề do lý luận đặt ra. Phương pháp còn là phát hiện những điều chưa biết và chứng minh những điều đã biết.
Trên đây là những vấn đề cơ bản khi góp ý vào các văn kiện và nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Đi chệch những vấn đề trên không phải là góp ý, mà là đả kích.
Việc ngăn chặn, vô hiệu hóa những luồng thông tin xấu độc hại, nhân danh góp ý vào các văn kiện và nhân sự Đại hội XIV để đả kích vào Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các cơ quan chức năng, của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chúng ta tin tưởng rằng, Đại hội XIV của Đảng nhất định sẽ thành công tốt đẹp!
1. Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tập 1, từ trang 26 đến trang 29.
2. Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2021, tập 1, từ trang 27.
GS,TS Đàm Đức Vượng