Những con sâu làm rầu nồi canh…

Mới đây, thông tin chiều 27/7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cao Bằng bắt quả tang 3 phóng viên, cộng tác viên một số cơ quan báo chí có hành vi cưỡng đoạt tài sản người dân trên địa bàn tỉnh này không khỏi khiến chúng ta bức xúc vì những “con sâu” này đã bôi xấu hình ảnh của những người làm báo chân chính – những người vẫn ngày đêm thực hiện sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng Việt Nam là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ảnh minh họa.

Báo chí đóng vai trò là kênh thông tin quan trọng phản ánh đời sống xã hội qua việc thông tin nhanh chóng, chân thực nhất những sự kiện thời sự, đồng thời cũng có vai trò không thể thay thế trong việc định hướng thông tin, dư luận xã hội. Điều này ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà tình trạng “loạn” thông tin trên mạng xã hội đang diễn ra tràn lan, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị, xã hội. Hơn bao giờ hết, những người làm báo phải nêu cao trách nhiệm xã hội của mình, phải đưa thông tin trung thực, khách quan, chính xác để định hướng dư luận xã hội. Tính chân thực, khách quan là đặc điểm, đặc trưng, là yêu cầu tồn tại của bản thân báo chí và là nguyên tắc đầu tiên để báo chí thực hiện vai trò phản biện và giám sát xã hội. Mọi sự phản biện xã hội trên báo chí, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của nhà báo, vì lợi ích của quốc gia dân tộc, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân và phải nhằm tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội.

V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh: Sự thật là sức mạnh của báo chí. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường căn dặn các nhà báo phải luôn trung thực, coi đó là một trong những tiêu chuẩn đạo đức số một của người làm báo cách mạng. Đạo đức của nhà báo là sống trung thực, trong sáng; phải viết chân thực vì chân thực là sức mạnh, là niềm tin. Tại Đại hội lần thứ X, Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, gồm 10 điều, trong đó yêu cầu những người làm báo phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, pháp luật; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi; bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật; tôn trọng quyền con người; không xâm phạm đời tư, làm tổn hại nhân phẩm, danh dự và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân…

Có thể thấy, tuyệt đại đa số các nhà báo thể hiện đầy đủ phẩm chất chính trị trong hoạt động nghề nghiệp và là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện những hiện tượng đáng lo ngại, như: Một số nhà báo, phóng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức đã có hành vi xuyên tạc, bịa đặt, kích động, chống phá Nhà nước; vi phạm tôn chỉ, mục đích của tờ báo và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy không nhiều nhưng đã tác động xấu đến uy tín, danh dự của những nhà báo chân chính. Việc 3 phóng viên, cộng tác viên bị bắt quả tang khi đang thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của người dân tại tỉnh Cao Bằng vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề hơn nữa trong việc phát huy vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí đối với các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên cơ quan mình!

 Hòa Xuân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.