NỖ LỰC CỦA VIỆT NAM TRONG THÚC ĐẨY, BẢO ĐẢM QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC!

Trong những năm qua, các thế lực thù địch, tổ chức phản động thường xuyên lợi dụng vấn đề “xã hội dân sự” để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong đó, thủ đoạn mà chúng thường xuyên sử dụng chính là vu cáo Việt Nam “đàn áp quyền lao động”, “liên tục trì hoãn quyền lập hội của giai cấp công nhân Việt Nam” thậm chí là “cấm công đoàn độc lập”… Từ đó, chúng yêu cầu Đảng, Nhà nước ta phải sớm công nhận cái gọi là công đoàn độc lập… Tuy nhiên, thực tế nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động chính là “cú tát trời giáng” vào những luận điệu xuyên tạc trơ trẽn, sai sự thật trầm trọng trên.  

Trước hết, cáo buộc “cấm công đoàn độc lập” mà các thế lực thù địch, phản động đang rêu rao là hoàn toàn không phản ánh đúng thực tế. Thực tế, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo đảm quá trình hình thành và hoạt động của hệ thống các tổ chức đại diện người lao động lành mạnh, song hành cùng hệ thống Công đoàn Việt Nam, cùng thực hiện đồng bộ, thống nhất chức năng, nhiệm vụ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động. Khoản 3, Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở “là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện cho người lao động tại cơ sở bao gồm Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”. Khoản 1, Điều 4 Bộ luật Lao động năm 2019 khẳng định Chính sách của Nhà nước về lao động là “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”.

Với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp, trở thành thành viên có trách nhiệm trong việc tham gia ký kết, thực hiện các công ước, điều ước quốc tế; trong đó, có các cam kết về bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng lộ trình. Trên bình diện quốc tế, phát huy vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hay với vai trò là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến, chương trình… mang lại lợi ích, sự tiến bộ cho đông đảo người dân các nước trên thế giới cũng như cộng đồng quốc tế, được dư luận đông đảo bạn bè quốc tế tán thành, ủng hộ, đánh giá cao.

Điều đáng nói là các thế lực thù địch, tổ chức phản động đã cố tình phớt lờ những thành tựu này mà tung ra những cáo buộc vô căn cứ gây tổn hại đến uy tín quốc gia, làm phức tạp hóa các mối quan hệ hợp tác kinh tế với các đối tác quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Mưu đồ sâu xa mà chúng muốn hướng đến chính là áp đặt tiêu chuẩn phương Tây lên bối cảnh kinh tế – xã hội đặc thù của Việt Nam. Việc đòi hỏi “công đoàn độc lập” theo mô hình phương Tây không chỉ thiếu thực tế mà còn bỏ qua sự khác biệt về lịch sử, văn hóa và pháp lý giữa các quốc gia. Việt Nam, với hệ thống chính trị nhất quán và tập trung, đã chọn mô hình công đoàn gắn kết với lợi ích chung của người lao động và sự phát triển bền vững của đất nước, thay vì mô hình phân tán, dễ bị lợi dụng bởi các thế lực bên ngoài.

Nhìn rộng ra, nỗ lực bảo vệ quyền lao động của Việt Nam không thể bị phủ nhận chỉ vì những luận điệu sai trái. Việc phê chuẩn Công ước 98 ILO là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý lao động, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn giữ vững bản sắc và lợi ích quốc gia. Hệ thống công đoàn Việt Nam không phải là một tổ chức đứng ngoài lề, mà là cầu nối hiệu quả giữa người lao động và chính quyền, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và tiến bộ. Vì vậy, thay vì để những báo cáo thiếu trung thực dẫn dắt dư luận, cộng đồng quốc tế cần nhìn nhận đúng đắn những bước tiến của Việt Nam, đồng thời cảnh giác trước các mưu đồ núp bóng nhân quyền để chống phá. Chỉ khi sự thật được tôn trọng, những giá trị tốt đẹp của lao động và phát triển mới thực sự được bảo vệ và lan tỏa. Hơn lúc nào hết chúng ta cần hết sức tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác để nhận diện và đấu tranh chống lại âm mưu của kẻ xấu, không để bị lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá đất nước.

H.X

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *