THÀNH TỰU TRONG BẢO ĐẢM QUYỀN CỦA PHỤ NỮ, TRẺ EM GÁI TẠI VIỆT NAM LÀ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN!

Trong những năm qua, nhân quyền là một trong những vấn đề thường xuyên bị các thế lực thù địch, tổ chức phản động lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Bằng chiêu trò đưa ra những thông tin sai lệch, bóp méo sự thật, thổi phồng một số vụ việc, hiện tượng để vu cáo Việt Nam phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, xuyên tạc chế độ “đảng trị” là nguyên nhân gây ra sự bất bình đẳng về kinh tế, chính trị, giáo dục, y tế… Từ đó, chúng ra sức phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm bình đẳng giới nói chung và quyền của phụ nữ, trẻ em gái nói riêng. Báo cáo Nhân quyền 2025 của Human Rights Watch (HRW) là một ví dụ. Theo đó, bất chấp thực tế khách quan, HRW tung ra những cáo buộc thiếu căn cứ, cố tình xuyên tạc, làm mờ đi những tiến bộ rõ ràng của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, bóp méo nỗ lực bảo vệ nhân quyền nói chung, quyền phụ nữ và trẻ em gái nói riêng, qua đó, gây áp lực quốc tế, phục vụ mục tiêu chính trị thù địch… Vậy thực tế thì sao?

Thứ nhất, trên góc độ pháp lý, thời gian qua, Việt Nam quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết quốc tế về bình đẳng giới, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện luật pháp và chính sách quốc gia. Thông qua việc đưa vấn đề bình đẳng giới vào xây dựng các văn bản pháp luật và chính sách, như: Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) năm 2022, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và các văn bản pháp luật khác… cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực gia đình. Cùng với đó, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 – 2030 với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đa dạng nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ, nam giới tham gia và thụ hưởng bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần thiết thực vào nỗ lực quốc tế thúc đẩy vấn đề này ở khu vực và trên thế giới…

Thứ hai, những kết quả tích cực trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới đã nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong các cơ chế, diễn đàn quốc tế về bình đẳng giới và thúc đẩy quyền của phụ nữ. Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ luôn cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (chiếm 30,26%); phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ là 62,4%; tỷ lệ phụ nữ đứng đầu doanh nghiệp ở Việt Nam vào năm 2021 đạt 39% xếp thứ 3 trên thế giới và thứ 2 ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, năm 2023 Việt Nam đã đạt được tỉ lệ khá cao so với nhiều quốc gia khác về nữ giới giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao tại doanh nghiệp (34%); tỷ lệ lao động nữ có trình độ đại học đang có xu hướng vượt qua nam giới, đóng góp giá trị ngày càng lớn trong nền kinh tế; ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, nữ CEO xuất sắc của Việt Nam được các diễn đàn kinh tế trên thế giới ghi nhận và tôn vinh…

Thứ ba, ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women nhiệm kỳ 2025 – 2027. Theo đó, Việt Nam sẽ tham gia điều phối xây dựng và triển khai các định hướng lớn của UN Women, bảo đảm các chiến lược và hoạt động của cơ quan này nhất quán với các mục tiêu và chính sách tổng thể của Liên hợp quốc về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việc tất cả thành viên ECOSOC đồng thuận bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành UN Women thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách, thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới và nỗ lực hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Những bước tiến này không chỉ phản ánh cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền phụ nữ mà còn cho thấy một xã hội đang tiến tới bình đẳng giới, trái ngược hoàn toàn với bức tranh tiêu cực, tối màu mà HRW cố tình vẽ ra. Nói như vậy để thấy, cho dù HRW có cố gắng xuyên tạc đến đâu thì ánh sáng của những nỗ lực thực sự của Việt Nam trong việc bảo đảm bình đẳng giới nói chung và quyền của phụ nữ, trẻ em gái nói riêng sẽ luôn là ngọn lửa không thể dập tắt.

(NA)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *