Vụ clip “học sinh tát cô giáo” trên mạng xã hội: không thể khoán trắng việc giáo dục nhân cách học sinh cho ngành Giáo dục

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip một học sinh nam có hành động giật điện thoại và tát cô giáo ngay trên lớp học. Lợi dụng sự việc này, các thế lực thù địch, phản động đã ra sức xuyên tạc cho đó là “cú tát thẳng vào mặt ngành Giáo dục việt Nam”. Có thể thấy đây là những suy diễn, quy kết mang tính quy chụp, thiếu tính xây dựng nhằm làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Mặc dù hiện nay ngành Giáo dục vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, nhưng nhiều năm qua các thế hệ học sinh, sinh viên vẫn được đào tạo bài bản và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng phát triển đất nước. Sự hư hỏng của một bộ phận giới trẻ là cộng hưởng của rất nhiều nguyên nhân, cái tát của cậu học trò cũng là phép cộng nhiều lý do chứ không cứ phải mỗi ngành giáo dục. Giáo dục phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Một đứa trẻ lớn lên trước hết thụ hưởng sự giáo dục của gia đình, sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Cả ba thành tố đó phải có sự kết hợp chặt chẽ. Khi một đứa trẻ có hành vi không đúng, trước hết chúng ta phải xem gia đình đang dạy dỗ các cháu thế nào. Việc các thế lực thù địch, phản động đổ lỗi cho sự lệch lạc trong hành vi, nhân cách của trẻ cho nhà trường, cho ngành Giáo dục là hoàn toàn không đúng.

Không một thầy cô nào, nhà trường nào hay cả ngành Giáo dục cổ súy, dạy dỗ học sinh làm điều xấu. Ngoài vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội thì sự phát triển tâm lý, cá tính riêng của mỗi đứa trẻ cũng là vấn đề cần xem xét. Các cháu ở tuổi vị thành niên rất nhạy cảm, dễ tổn thương và dễ bị kích động. Chỉ cần một câu phê bình quá mức của cô giáo, hoặc kèm theo đó là thái độ của cả lớp… dễ xô đẩy cậu bé đến những hành động xúc phạm.

Một sự việc đã xảy ra gần 1 năm  (5/2020), được giải quyết ổn thỏa mang đậm chất nhân văn. Nhưng chỉ vì một sự vô ý tai hại của “ai đó” đã thổi bùng một đốm lửa nhỏ thành một ngọn lửa giận dữ, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch, phản động châm chọc, chống phá ngành Giáo dục và quy chụp đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, mỗi chúng ta khi tiếp nhận bất cứ thông tin nào cũng phải tỉnh táo, kiểm chứng, tránh bị kích động a dua theo số đông, mắc mưu các phần tử chống đối, phản động.

BBT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.