Quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân
“Quân sự phải phục tùng chính trị”, khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vấn đề có tính bản chất, quyết định sự ra đời, vận động, phát triển quân đội ở mọi quốc gia kể từ ngày xã hội loài người xuất hiện các quan hệ có vai trò của chính trị. Song gần đây, khi đề cập đến Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, một số người lại hô hào, cổ vũ cho luận điệu đòi “phi chính trị hóa”. Đó là luận điểm xuyên tạc nhằm phủ nhận sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND Việt Nam, và thực hiện mưu đồ phá hoại, làm chệch hướng công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Những năm qua, trong bối cảnh rất nhiều biến động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đã xuất hiện luận điệu đòi “phi chính trị hóa” QÐND Việt Nam, kèm theo là lý lẽ cho rằng: “quân đội và công an chỉ là của quốc gia, dân tộc, không cần đặt dưới sự lãnh đạo của đảng phái nào, lực lượng chính trị nào”, “quân đội chỉ cần trung thành với lợi ích của quốc gia dân tộc”, “Tổ quốc trên hết”, “chuyên nghiệp hóa quân đội và công an càng sớm càng tốt”; “quân đội và công an là của nhân dân nên không cần phải dương oai, diễu võ”… Không khó nhận ra thực chất các luận điệu đó là nhằm phục vụ mưu đồ của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội (CNXH), muốn tách rời sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam với QÐND Việt Nam, làm lu mờ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH, xóa bỏ công tác đảng, công tác chính trị trong QÐND Việt Nam, vô hiệu hóa sức mạnh chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Ðảng và Nhà nước,… mà sự nghiệp cách mạng của dân tộc đã giao cho QÐND Việt Nam.
Không phải tới hôm nay, mà mấy trăm năm trước, C.V. Clau-dơ-vit – nhà lý luận quân sự nổi tiếng của nước Phổ (nay là nước Ðức), cho rằng chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực. Ðiều đó cho thấy bản chất giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội không thể không tuân theo nguyên tắc “chính trị quyết định chiến tranh”, không thể không phụ thuộc vào chính trị của giai cấp đã tổ chức, nuôi dưỡng và sử dụng nó vào trong các cuộc chiến tranh. Về điều này, V.I. Lê-nin cũng khẳng định chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những biện pháp khác, và Người nhấn mạnh: “Không lôi kéo quân đội vào chính trị – đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và của chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động” (V.I. Lê-nin, Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2005, tập 12, tr 316). Qua ý kiến của V.I.Lê-nin có thể hiểu những người hô hào “quân đội chỉ là công cụ bạo lực của nhà nước, bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc cho nên phải “phi chính trị, đứng ngoài chính trị”…” đã cố tình làm ngơ, phủ nhận bản chất giai cấp của quân đội. Thực tế lịch sử cho thấy, điều quan tâm đầu tiên của bất cứ một cuộc cách mạng thắng lợi nào trước hết cũng là tiêu diệt, giải tán quân đội cũ, thay thế bằng một quân đội mới để bảo vệ những thành quả đã đạt được. Vì vậy, không thể có quân đội phi chính trị, phi giai cấp, chung chung, hoặc trung lập, đứng ngoài chính trị. Trong quan hệ chặt chẽ với hệ tư tưởng chính trị (với tính cách là toàn bộ những học thuyết, tư tưởng, quan điểm, của một giai cấp về việc giành và giữ quyền lực nhà nước; xác định chế độ chính trị; hình thức tổ chức nhà nước; quan hệ với những giai cấp và tầng lớp khác…) quân đội hoặc là phục vụ hệ tư tưởng chính trị này, hoặc phục vụ hệ tư tưởng chính trị khác. Bởi thế với bất cứ quân đội nào, chính trị bao giờ cũng là vấn đề quan trọng hàng đầu, và thực chất quan hệ giữa quân đội với chính trị là xác định bản chất giai cấp, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tổ chức, lãnh đạo quân đội. Xem nhẹ, buông lỏng vấn đề xây dựng quân đội về chính trị là làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Theo V.I.Lê-nin, quân đội của giai cấp công nhân phải do những người cộng sản lãnh đạo, chỉ huy, phải “thành lập các chi bộ cộng sản trong mỗi một đơn vị quân đội” (V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 41, NXB Tiến bộ. M.1978, tr.250) “không có các chính ủy, chúng ta sẽ không có Hồng quân” (V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 41, NXB Tiến bộ, M.1978, tr.179). Tức là tất yếu phải tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản để nâng cao sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân đội trong cuộc đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Bởi chính trị của quân đội vô sản là thực hiện mục tiêu, lý tưởng của Ðảng Cộng sản, Nhà nước XHCN, phục vụ Ðảng, Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là yêu cầu cơ bản trong xây dựng quân đội kiểu mới. Ðây là cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và sự vững mạnh toàn diện của quân đội. Các chiến công to lớn, sự tồn tại, phát triển của quân đội Xô Viết qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành là thí dụ cụ thể về nguyên tắc “không được phi chính trị hóa quân đội”. Ðồng thời, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và một số nước Ðông Âu trong những năm 90 của thế kỷ 20 cũng là thí dụ cụ thể về việc khi quân đội từ bỏ sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, từ bỏ mục tiêu, lý tưởng của CNXH sẽ không bảo vệ được chế độ, tự tan rã, bị vô hiệu hóa, trở thành công cụ của các thế lực thù địch với lý tưởng cộng sản.
Vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản ở Việt Nam, trong Chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tên Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”. Với quá trình lãnh đạo xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội, Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “quân sự phải phục tùng chính trị”, “quân sự mà không có chính trị thì như cây không có gốc, vô dụng mà lại có hại”, “QÐND Việt Nam trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Chính vì thế, công tác đảng, công tác chính trị phải trở thành linh hồn, mạch sống của quân đội, làm cho quân đội thực sự trở thành một quân đội của dân tộc, của giai cấp, một quân đội tất thắng như Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng nhấn mạnh.
Gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng Cộng sản Việt Nam, QÐND Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, góp phần quan trọng cùng dân tộc đánh thắng nhiều đế quốc lớn, giải phóng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những thành tựu to lớn của QÐND Việt Nam trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đã trực tiếp khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch rằng “không được phi chính trị hóa quân đội”; sức mạnh chiến đấu của Quân đội chỉ có thể tạo dựng, phát triển, lớn mạnh trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam đã lựa chọn trong thời đại Hồ Chí Minh. Những tồn tại, khó khăn, thách thức trong sự nghiệp xây dựng QÐND Việt Nam ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ đã và đang chỉ ra rằng, cần phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng đối với Quân đội; càng trong khó khăn, gian khổ thì càng phải trung thành và sáng tạo đường lối, quan điểm của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tăng cường hơn nữa công tác đảng, công tác chính trị thì nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn để giành chiến thắng.
Hiện nay và những năm tiếp theo, Ðảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng QÐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Phương hướng xây dựng QÐND Việt Nam thể hiện sự nhất quán, trung thành tuyệt đối của Quân đội với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; khẳng định sự vững vàng không thể lay chuyển về bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và CNXH của QÐND Việt Nam trong lịch sử, hiện tại và tương lai.
Ðể hiện thực hóa phương hướng xây dựng QÐND Việt Nam, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân phải luôn nhất quán, trung thành và vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa nhân loại, truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc vào xây dựng quân đội. Quán triệt và tổ chức thực hiện thắng lợi Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia… Thực hiện hiệu quả việc chấn chỉnh tổ chức biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”. Xây dựng Ðảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nắm chắc chức trách, nhiệm vụ, tinh thông nghiệp vụ, nâng cao đạo đức cách mạng trong sáng, giữ vững, phát huy bản chất cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước, nhân dân, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tăng cường xây dựng QÐND Việt Nam vững mạnh về chính trị là một phương diện quan trọng của cuộc đấu tranh đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch nhằm “phi chính trị hóa” QÐND Việt Nam. Ðó là nền tảng, là cội nguồn tạo dựng nên sức mạnh tổng hợp của quá trình xây dựng QÐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ðó là trách nhiệm nặng nề, lớn lao, quan trọng, cấp bách hơn bao giờ hết của cả hệ thống chính trị sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý của Nhà nước, phát huy dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân, của toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và QÐND Việt Nam.
Trung tướng, PGS, TS TRẦN VIỆT KHOA/NHÂN DÂN