QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN, TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM LUÔN ĐƯỢC TÔN TRỌNG VÀ BẢO ĐẢM

Thời gian qua, việc đảm bảo quyền con người nói chung, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận nói riêng ở nước ta đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, được cộng đồng quốc tế công nhận. Tuy nhiên bất chấp những thành quả ấy, các thế lực thù địch, phản động lại cố tình xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí là vấn đề hết sức nhạy cảm mà các thế lực thù địch, phản động thường xuyên lợi dụng để chống phá nước ta. Thủ đoạn của bọn chúng là xuyên tạc khái niệm tự do báo chí; viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam về tự do báo chí, nhưng cố tình lờ đi những quy định và điều khoản nghĩa vụ kèm theo rồi tán phát lên không gian mạng làm cho nhiều người hiểu lầm rằng “tự do báo chí” là một quyền tuyệt đối, không có bất cứ một hạn chế nào. Chúng CÒNtìm mọi cách để tác động đến Quốc hội Mỹ và các nước phương Tây, các tổ chức quốc tế thông qua các dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên,… với nội dung xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do báo chí ở Việt Nam. Một số phần tử còn tác động vào các chính khách cực đoan trong Quốc hội Mỹ tổ chức điều trần, hội thảo, xuyên tạc tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam nhằm tác động Liên hợp quốc ra nghị quyết bất lợi đối với nước ta. Ngoài ra, chúng còn thành lập các câu lạc bộ, các diễn đàn trên mạng xã hội dưới chiêu bài “tự do ngôn luận, tự do báo chí” để tập hợp lực lượng, hình thành các tổ chức chống phá Đảng, Nhà nước ta

Có thể thấy những thủ đoạn trên tuy không mới nhưng rất nguy hiểm dễ làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước ta trên trường quốc tế. Thực tiễn những năm qua, Đảng Nhà nước ta luôn nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo điều kiện thúc đẩy và bảo vệ các quyền cơ bản của công dân về tự do ngôn luận. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cũng nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin; bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân. Trong đó, Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 cũng nêu rõ: “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tậpthể và công dân”.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam còn được thể hiện rất rõ qua sự phát triển đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của báo chí Việt Nam. Tính đến ngày 31/11/2021, Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 816 cơ quan báo chí,  có 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh – truyền hình với với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình... Thông qua báo chí, nhân dân có diễn đàn để trình bày những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời phản biện, đề xuất những ý kiến tâm huyết với Đảng, Nhà nước. Báo chí cũng có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn tích cực đấu tranh với các biểu hiện sai trái, tiêu cực trong xã hội, góp tiếng nói quan trọng vào việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là cầu nối quan trọng với bạn bè quốc tế.

Những minh chứng nêu trên cho thấy, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm và ngày càng được thực thi trong cuộc sống, tạo điều kiện cho công dân được nói lên tiếng nói của mình, đóng góp tài năng, trí tuệ công sức của mình vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Tuy nhiên, tự do ngôn luận, tự do báo chí đều có những giới hạn nhất định, không phải là tự do quá trớn. Chúng ta rất hoan ngênh những ý kiến xây dựng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh, phê phán các hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc.

(BVTH)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.