Thái độ ứng xử của bản thân đằng sau những khuyết điểm, sai lầm ấy thể hiện tư chất và tầm văn hóa của con người. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, văn hóa xin lỗi không chỉ là yếu tố thể hiện phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) mà còn là giải pháp góp phần ngăn ngừa suy thoái, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả trong nội bộ.

Nhận lỗi để nêu gương

Bởi “nhân vô thập toàn” nên việc mắc khuyết điểm, sai lầm là một thuộc tính của con người. Sự khác biệt nằm ở thái độ, việc làm đằng sau những khuyết điểm, sai lầm đó. Với những người có tâm, có tầm, có lương tâm và trách nhiệm, sau những hành động, việc làm sai trái, họ biết nhận lỗi, xin lỗi, ăn năn, hối cải. Thái độ nhận lỗi chính là động lực để giúp họ khắc phục khuyết điểm, sửa chữa sai lầm để vươn lên, phấn đấu hoàn thiện bản thân. Ở chiều ngược lại, những người tự cao, tự đại, mắc bệnh thành tích, thiếu trung thực, cá nhân chủ nghĩa… sẽ tìm mọi cách che giấu khuyết điểm, né tránh xin lỗi, thậm chí là tranh công, đổ lỗi. Khi CB, ĐV, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì ở các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương… rơi vào những trường hợp này, tác hại của nó rất nguy hiểm và khó lường.

Nhìn lại những hành trình lịch sử vẻ vang của Đảng, chúng ta thấy rõ, ở những giai đoạn mang tính bước ngoặt của cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta luôn coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là đề cao giáo dục, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ CB, ĐV. Một trong những yêu cầu xuyên suốt, mang tính hệ thống, đó là phẩm chất dám làm, dám chịu, dám nhận khuyết điểm của đội ngũ công bộc. Tháng 10-1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã viết thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Người nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”. Lời căn dặn của Bác đã khẳng định chân lý của thời đại mới, thời đại nhân dân làm chủ, Đảng muốn mạnh, chính quyền muốn vững thì đội ngũ công bộc phải thực sự là những người dũng cảm, biết nhận sai lầm và ra sức sửa chữa khuyết điểm, sai lầm để xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Lời dạy của Bác từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng non trẻ, đến nay vẫn nguyên giá trị và tính thời sự. Thái độ nhận khuyết điểm, dũng cảm nhận sai lầm của CB, ĐV cũng chính là một trong những nội dung quan trọng, xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác dạy chúng ta như vậy và chính Bác đã nêu tấm gương sáng ngời về phẩm chất ấy. Trong cuốn sách “Chuyện ngày thường về Bác Hồ” do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc phát hành, có câu chuyện kể rằng: Mùa luyện quân năm 1949, ở chân đèo Khế, có lần một bà mế người Cao Lan thấy một anh bộ đội vô ý để tuột bao tượng làm gạo rơi vung vãi ra đường. Anh bộ đội không hốt lại mà cứ thế bỏ đi. Bà mế liền gom hết số gạo ấy gói vào chiếc khăn đội đầu, mang đến nhà chủ tịch xã, nhờ trao tận tay Cụ Hồ. Sau khi nắm rõ ngọn ngành, Bác đã đi cùng đồng chí chủ tịch xã tới nhà bà mế. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe, chuyện làm ăn của mế và gia đình. Bác trân trọng trả lại chiếc khăn cho mế và nói:

 – Cám ơn mế đã cho tôi biết việc làm sai của bộ đội. Bộ đội, cán bộ có lỗi thì Ðảng cũng có lỗi, tôi cũng có lỗi. Tôi đến đây là để xin lỗi và cám ơn mế!

Trong tình huống này, nếu Bác của chúng ta im lặng cũng chẳng ai biết, nếu Bác cho gọi anh bộ đội mắc khuyết điểm lên nhắc nhở và bảo anh đến gặp bà mế thì cũng chẳng có gì sai. Nhưng Bác đã trực tiếp đến xin lỗi dân, nhận khuyết điểm trước dân và tri ân việc làm của dân. Hành động nhân văn ấy đã cho thấy tầm cao giá trị của thái độ nhận lỗi và văn hóa nêu gương đối với người cộng sản. 

Muốn có văn hóa nhận lỗi phải có văn hóa nêu gương

Lời xin lỗi, dù thể hiện ở phạm vi, cấp độ và hoàn cảnh nào, tuyệt đối không thể là thứ trang sức để công bộc làm màu, mà đòi hỏi phải xuất phát từ tâm. Nhận thức rõ vai trò của văn hóa công bộc, những năm qua, Đảng ta đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng, nâng tầm văn hóa nêu gương của CB, ĐV. Một trong những dòng chủ lưu của công tác giáo dục, rèn luyện CB, ĐV chính là không ngừng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dù đã có sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong toàn Đảng, nhưng hành trình đi đến sự thực tâm trong thái độ nhận lỗi và văn hóa nêu gương của đội ngũ công bộc vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ, một trong những yếu kém trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, đó là: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm, khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”. Những yếu kém này có ở cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, từ Trung ương đến cơ sở với những mức độ, phạm vi khác nhau. Nguyên nhân cũng đã được Đảng ta chỉ rõ, đó là do một bộ phận không nhỏ CB, ĐV trong cấp ủy, tổ chức đảng các cấp duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình, không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác; cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích…

Có thể nói, chưa bao giờ việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Đảng ta chú trọng đẩy mạnh, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ như hiện nay. Với quan điểm nhất quán không có vùng cấm, không phân biệt người đó là ai, tất cả đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, hàng loạt những vụ án lớn đã được xét xử, nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, bị xử lý nghiêm minh. Theo dõi, nghiên cứu thông tin từ những vụ việc, vụ án được dư luận quan tâm, chúng ta thấy rõ, một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến sai phạm nghiêm trọng của những cán bộ này đó chính là duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, làm theo ý mình, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích… như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Trong môi trường, hoàn cảnh, điều kiện dẫn đến những khuyết điểm, sai phạm ấy, lời xin lỗi, thái độ nhận lỗi, ý chí sửa chữa sai lầm… đã bị bỏ quên, thậm chí là bị thủ tiêu. Văn hóa xin lỗi không có cơ hội, môi trường để thể hiện. Ở đó, chỉ còn cái bóng của chủ nghĩa cá nhân bao trùm hành vi, tư duy công bộc. Đến khi tất cả bị đưa ra ánh sáng, đứng trước tòa án và tòa lương tâm, dư luận, người ta mới đưa tay ôm mặt mà rằng: Biết thế này thì tôi đã thế nọ, tôi đã thế kia…

Nhắc lại những chuyện ấy để thấy, để có văn hóa xin lỗi, phải bắt đầu bằng văn hóa nêu gương. Cán bộ không nêu gương, cấp ủy, tổ chức đảng không xây dựng văn hóa nêu gương thì lời xin lỗi, nếu có chỉ là sự giả tạo, thái độ nhận lỗi chỉ là hành vi đối phó. Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương, đã chỉ rõ: “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu phải thực hiện cho bằng được, đó là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Để có được một đội ngũ công bộc ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường thì nội hàm của phẩm chất, năng lực công bộc bắt buộc phải có văn hóa xin lỗi, văn hóa nêu gương. Thiếu hoặc coi nhẹ phẩm chất ấy, cán bộ rất dễ sa vào suy thoái đạo đức, lối sống và đây là một trong những nguồn cơn của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

(còn nữa)

PHAN TÙNG SƠN/QĐND