Thay đổi tư duy trong đầu tư, phát triển văn hóa

Đầu tư phát triển văn hóa là một nội dung quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược, đường hướng, mục tiêu phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, thời gian qua vấn đề đầu tư cho phát triển văn hóa vẫn còn tồn tại không ít bất cập, hạn chế.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu mà Đảng ta đề ra “văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”, bên cạnh nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, thực tế đang đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng nhanh chóng có những giải pháp, điều chỉnh kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn.

Những năm qua vấn đề văn hóa và phát triển văn hóa luôn là một nội dung quan trọng được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, chú trọng trong các đường hướng, mục tiêu phát triển của đất nước.

Trên cơ sở đó, nhiều chính sách, chiến lược, cơ chế đầu tư cho phát triển văn hóa của Chính phủ được ban hành và triển khai tích cực, đồng bộ. Tiêu biểu có thể kể đến như: “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020”; “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đối ngoại của Việt Nam và mới đây là “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 12/11/2021. Nhờ đó, công tác phát triển văn hóa trên cả nước thu được những kết quả tích cực.

Tại nhiều tỉnh, thành phố, việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất được chú trọng, các thiết chế văn hóa được tu bổ, xây dựng mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và tiếp tục phát huy vai trò trong đời sống hiện đại.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Chính phủ đã có những chính sách thiết thực như thành lập “Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật” giúp các văn nghệ sĩ được nhận hỗ trợ đầu tư cho sáng tác, giới thiệu, quảng bá tác phẩm.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng kế cận trong lĩnh vực văn học nghệ thuật được quan tâm, có chiến lược cụ thể. Công nghiệp văn hóa đã có sự khởi sắc. Các giá trị văn hóa Việt Nam không ngừng được quảng bá, lan tỏa.

Có thể khẳng định sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu ý nghĩa, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa đã đạt được những thành tựu ý nghĩa, góp phần nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, thực trạng nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa hiện nay còn không ít bất cập, chưa xứng tầm, vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ, chưa đúng địa chỉ, dàn trải, hiệu quả chưa như mong muốn.

Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Kết luận số 30-KL/TW ngày 20/7/2004 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó đề ra “Tăng đầu tư cho văn hóa, phấn đấu đến năm 2010 ít nhất đạt 1,8% tổng chi ngân sách của Nhà nước”.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát và các số liệu thống kê của nhiều địa phương giai đoạn 2015-2020 cho thấy đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở mức thấp, thậm chí chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa. Tính chung cả nước, mức chi ngân sách cho lĩnh vực văn hóa giai đoạn này chỉ đạt mức 1,71%, thấp hơn so với chỉ tiêu đặt ra.

Cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến năm 2020, hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước mới chỉ đạt được từ 50-60% định mức tỷ lệ chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin.

Lấy thí dụ ở Hà Nội, dù là trung tâm văn hóa của đất nước song giai đoạn 2015-2020 mức chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin của thành phố chưa đạt được mức 0,8% tổng chi ngân sách địa phương.

Cụ thể năm 2015, Hà Nội chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là 812 tỷ đồng, chiếm 0,72% tổng chi ngân sách, nhưng đến năm 2018, mức chi chỉ đạt 127 tỷ đồng chiếm 0,095% tổng chi ngân sách. Năm 2020, Hà Nội đạt mức chi cao nhất là 0,767% tổng chi ngân sách.

Giáp Hà Nội và là địa phương có nhiều di tích, di sản văn hóa cấp quốc gia, song mức đầu tư cho văn hóa ở tỉnh Vĩnh Phúc không những không đạt chỉ tiêu mà còn ngày càng sụt giảm.

Cụ thể năm 2015, Vĩnh Phúc chi cho sự nghiệp văn hóa thông tin là 229,144 triệu đồng, thì đến năm 2017 chỉ còn là 207,279 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,544 tổng chi ngân sách địa phương. Đến năm 2019 tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống mức 0,43%.

Giai đoạn 2015-2020, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa ở mức thấp, thậm chí chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa.

Đầu tư cho phát triển văn hóa chưa đạt mức yêu cầu đặt ra, thậm chí có địa phương cho biết nhiều năm qua hoàn toàn chưa nhận được nguồn đầu tư của tỉnh, thành phố do vậy muốn duy trì hoạt động địa phương phải tự xoay xở trong điều kiện vô cùng chật vật, thiếu thốn.

Không được đầu tư phù hợp, thích đáng nên tại nhiều tỉnh, thành phố, cơ sở vật chất cho ngành văn hóa xuống cấp trầm trọng, thiếu vắng các hoạt động văn hóa cộng đồng, đời sống tinh thần của người dân một số nơi chưa được quan tâm, chăm sóc đúng mức.

Không ít bảo tàng phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu trang thiết bị, nguồn nhân lực, hiện vật nghèo nàn hoặc có nhiều hiện vật nhưng phải cất kho vì không có diện tích trưng bày, ngày càng bị hư hỏng. Thư viện địa phương do thiếu đầu tư bài bản, đồng bộ, nên không có điều kiện bổ sung các đầu sách mới, khó thu hút độc giả tìm đến.

Đây mới chỉ là một vài thí dụ nhỏ, dễ bắt gặp nhưng phần nào cũng đã cho thấy nếu thiếu việc đầu tư, hỗ trợ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của văn hóa nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung.

Trước thực trạng này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ: “Chính vì đầu tư hạn chế, nhỏ giọt và ít như thế lại thành vòng xoáy là khi đầu tư chưa đủ, chưa tạo điều kiện để các thiết chế và hoạt động văn hóa phát huy hiệu quả thì lại hạn chế đầu tư. Tôi cho rằng quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy đầu tư văn hóa. Đó là yếu tố sống còn”.

Tôi cho rằng quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy đầu tư văn hóa. Đó là yếu tố sống còn.

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), đề cập đến công tác phát triển văn hóa, Đảng ta xác định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế”; đồng thời chỉ ra nhiệm vụ thời gian tới đó là “Quan tâm đầu tư đúng mức để phát triển văn hóa, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội” (1). Đây là vấn đề có vai trò rất quan trọng trong phát triển văn hóa của quốc gia.

Ngày 24/11/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa”.

Đây là định hướng quan trọng để các địa phương, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả việc đầu tư cho phát triển văn hóa, theo phương châm “đúng, trúng, hiệu quả”.

Thời gian qua, nhiều chuyên gia đề xuất tăng mức đầu tư cho văn hóa, tối thiểu phải đạt mức 2% tổng chi ngân sách hằng năm, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Nếu có mức đầu tư tương xứng, các chuyên gia kỳ vọng văn hóa sẽ được chấn hưng và phát huy vai trò, vị thế của mình. Bởi đầu tư cho văn hóa là quá trình đầu tư dài hạn, đầu tư cho tương lai, là đòn bẩy để phát triển các lĩnh vực, ngành nghề khác trong xã hội.

Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bên cạnh việc xem xét nâng mức đầu tư cho phát triển văn hóa thì điều quan trọng và cần thiết hiện nay là thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền trong hoạch định chính sách phát triển văn hóa cũng như nỗ lực, tạo cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.

Thực tế vẫn còn tình trạng có địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị xem nhẹ, bỏ qua văn hóa trong mục tiêu phát triển của ngành, địa phương mình, thay vào đó đặt nặng vấn đề phát triển kinh tế, coi kinh tế mới là mục tiêu cần phấn đấu và đạt được bằng mọi giá. Điều này cho thấy cần có sự đổi mới tư duy mạnh mẽ, coi văn hóa là một nguồn lực, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển.

Cùng với đó cần rà soát, đổi mới cơ chế, chính sách về đầu tư cho văn hóa, phát huy tính chủ động, vai trò trách nhiệm của từng địa phương, tránh làm theo phong trào, cào bằng, vừa tốn kém vừa không hiệu quả.

Ngành chức năng cũng như các điạ phương cần sớm xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động để tập trung đầu tư cho phát triển văn hóa một cách bài bản, phù hợp, trên cơ sở đó đề xuất mức và hình thức đầu tư phù hợp.

Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước chi cho văn hóa bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh hợp tác công-tư trong bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật, huy động nguồn lực xã hội hóa, nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; có cơ chế kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện đầu tư, bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả, hạn chế những sai sót, tiêu cực, lãng phí; xây dựng cơ chế ưu đãi phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 262,263.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.