Thiên đường hay địa ngục cho những người dân trốn sang Thái Lan?

Là một người con của buôn làng ở huyện Sông Hinh, tôi rất đau lòng khi thời gian qua phải chứng kiến cảnh một số bà con người dân tộc thiểu số (DTTS) vì tin lời kẻ xấu đã bán tài sản, trốn sang Thái Lan, trong khi chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên truyền vận động ở lại quê hương làm ăn, không nên trốn đi Thái Lan.

Thiên đường hay địa ngục cho những người dân trốn sang Thái Lan?

Trước Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, tôi nghe tin về gia đình Nay H’Chấc (còn gọi là Mí H’Oanh), quê ở buôn Bưng B, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên trước đây từng trốn sang Thái Lan nhưng sau đó đã quyết tâm tìm đường từ Thái Lan hồi hương về Việt Nam. Điều này làm tôi rất tò mò, vì trước đó, những kẻ xấu tuyên truyền với bà con rằng: Nếu trốn được đến Thái Lan sẽ có cuộc sống sung sướng; không làm việc cũng có ăn; được giúp đỡ để đi Mỹ, sống như chốn thiên đường… Ngay sau Tết tôi quyết tâm tìm gặp Mí H’Oanh để tìm hiểu sự thật về cuộc sống của những người DTTS Việt Nam hiện sinh sống tại Thái Lan có phải là chốn thiên đường như những gì mà các đối tượng đã tuyên truyền hay không hay tất cả chỉ là sự lừa đảo.

Khi gặp tôi, trên gương mặt Mí H’Oanh vẫn còn lộ rõ nét mệt mỏi, uất hận vì đã trót tin vào những lời dụ dỗ, lừa phỉnh của những kẻ vì đồng tiền bán rẻ lương tâm, lừa gạt, đẩy chính những người đồng bào của mình đến nơi có cuộc sống chẳng khác nào địa ngục. Mí H’Oanh kể: Vì tin lời của kẻ xấu, nhất là người chồng của mình, nên bà đã bán hết đất đai, bỏ lại mẹ già đã hơn 80 tuổi cho họ hàng, dẫn theo 02 con cùng trốn đi Thái Lan. Sau hơn 03 ngày đi xe, trải qua nhiều chặng đường, lúc nào cũng sợ bị phát hiện, bắt giữ, cuối cùng mẹ con bà cũng đến nơi. Thật khác xa với những gì Mí H’Oanh tưởng tượng, những người DTTS Việt Nam trốn sang đây thuê những căn phòng chật hẹp, nhếch nhác trong khu ở tạm để sinh sống; mọi việc đều phải tự lo liệu, chẳng thấy tổ chức, cá nhân nào giúp đỡ cả; vì là người cư trú bất hợp pháp nên thường xuyên bị Cảnh sát Thái Lan truy quét, bắt giữ, luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ; họ như những người sống ngoài vòng pháp luật, không được pháp luật Thái Lan bảo vệ; điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, bất đồng về ngôn ngữ; làm việc phải lén lút, không ổn định, chủ yếu làm những việc nặng nhọc, như: thợ hồ, bốc vác, quét dọn vệ sinh, rửa chén bát, cắt tỉa cây…, thu nhập bấp bênh, bị người Thái bóc lột sức lao động, Mí H’Oanh phải làm việc quần quật từ 06 giờ sáng đến 18 giờ tối, nhưng tiền công trả rất thấp. Biết bị lừa, rất nhiều người có ý định hồi hương về Việt Nam nhưng không có đủ tiền và bị một số người hù dọa khi về Việt Nam sẽ bị đánh đập, bắt bỏ tù, thậm chí là giết chết nên không dám về. Dù vậy, 03 mẹ con Mí H’Oanh và 08 người khác ở tỉnh Gia Lai vẫn quyết tâm trở về quê hương.

Được quay về với buôn làng, Mí H’Oanh rất vui mừng và xúc động khi 03 mẹ con nhận được chính sách khoan hồng của Nhà nước, không những không bị xử lý, bắt bớ, đánh đập như những lời hù dọa mà còn được sự quan tâm, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của chính quyền địa phương, sự chia sẻ, đùm bọc của bà con buôn làng, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Bản thân Mí H’Oanh rất hối hận khi trốn đi Thái Lan, bà mong rằng cơ quan chức năng nghiêm trị thích đáng những kẻ đã dụ dỗ, lừa phỉnh, làm bao nhiêu gia đình ly tán, sống cảnh địa ngục trần gian, mong bà con buôn làng không còn nghe theo lời kẻ xấu tham gia trốn đi nước ngoài và khuyên những người có ý định hồi hương hãy yên tâm trở về để được sống trên chính mảnh đất quê hương mình, chính quyền, bà con buôn làng luôn sẵn sàng tha thứ, dang tay đón nhận và giúp đỡ.

Ma Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.