Tỉnh táo trước luận điệu xuyên tạc chuyện “từ thiện”, hạ thấp vai trò Đảng, Nhà nước

Những thông tin giả, xấu độc trong mưa lũ, dịch bệnh có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, thậm chí khiến lòng người phân tâm, thiếu lòng tin vào Đảng, Nhà nước.

Các đối tượng xấu xuyên tạc về công tác bảo hộ công dân của Chính phủ trong dịch COVID-19

Xuyên tạc về công tác cứu hộ: Xúc phạm sự hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ

Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp do bão lũ lịch sử gây ra tại các tỉnh miền Trung, chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp cấp bách cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả.

Trong lúc Đảng, Nhà nước và người dân đang đồng lòng ứng phó, giúp đỡ bà con vùng lụt bão sớm vượt qua khó khăn, hoạn nạn và tái thiết cuộc sống thì một số đối tượng chống đối chính trị, phản động, thiếu thiện chí lại lợi dụng thời khắc khó khăn này, tung ra những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, hạ thấp vai trò, uy tín của chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang.

Vậy thì những biểu hiện cụ thể là gì?

Trước hết, họ tung tin sai trái, đơm đặt về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, công tác cứu hộ cứu nạn. Bằng những hình ảnh ngụy tạo, thậm chí là giả mạo, họ vu cáo rằng Đảng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và lực lượng vũ trang chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế, chỉ lo tổ chức đại hội, lo giữ ghế nên đã ứng cứu chậm trễ, bỏ mặc người dân trong lũ lụt.

Có những kẻ còn táng tận lương tâm tới mức đi bịa đặt, xúc phạm về sự hy sinh cao cả của những cán bộ, chiến sĩ xả thân vì nhân dân. Đó là điều không thể chấp nhận được!

Những kẻ táng tận lương tâm đi bịa đặt, xúc phạm về sự hy sinh cao cả của những cán bộ, chiến sĩ

Dã tâm của các thế lực chống phá là không bao giờ muốn đất nước được yên ổn. Chúng cũng không bao giờ muốn người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, của chế độ này, nên khi cả hệ thống chính trị có cố gắng thế nào, nỗ lực bao nhiêu đi nữa thì chúng cũng cố tình xuyên tạc, nói xấu.

Lợi dụng câu chuyện “từ thiện” gây chia rẽ người dân với chính quyền

Không chỉ có vậy, ngay cả tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách– một truyền thống tốt đẹp của người dân cả nước từ ngàn đời nay cũng bị chúng lợi dụng để chống phá.

Từ thiện là việc khơi dậy tấm lòng của tất cả người dân cả nước hướng tới những người gặp khó khăn. Hành động này rất cần được ủng hộ, khuyến khích bởi nó còn tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết dân tộc.

Ấy vậy mà, các thế lực xấu, những kẻ thiếu thiện chí lại đang cố tình biến nghĩa cử nhân văn, cao đẹp ấy trở thành sự chia rẽ. Lợi dụng câu chuyện “từ thiện” của một số cá nhân, chúng muốn gây chia rẽ không chỉ trong những người làm từ thiện với nhau mà chia rẽ giữa những người làm từ thiện với chính quyền, và cả giữa người dân với chính quyền.

Từ việc ca sĩ Thủy Tiên làm từ thiện, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng để chống phá

Chúng còn xuyên tạc rằng “các cơ quan chức năng tìm cách ngăn cản, cấm đoán các cá nhân hảo tâm tham gia cứu trợ nhân đạo, mặc cho người dân phải chịu cảnh khốn cùng”. Dù không đến tận nơi, không tận mắt chứng kiến, vậy mà họ bịa đặt rằng có cán bộ cơ quan Nhà nước ăn chặn, ăn bớt tiền và hàng hóa cứu trợ của dân.

Từ việc ca sĩ Thủy Tiên kêu gọi hơn 150 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Trung, nhiều phần tử xấu đã lợi dụng để hạ thấp vai trò và uy tín của các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Thủy Tiên đi làm thiện nguyện, huy động được số tiền lớn là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, động viên sức mạnh của cá nhân. Nhà nước rất ủng hộ việc đó. Các tổ chức địa phương đã tạo mọi điều kiện để Thủy Tiên mang tiền đến tận nơi… Nhưng từ đó mà nói chỉ có đóng góp cá nhân thôi thì đó là một hành vi cực kỳ nham hiểm”.

Sự chung tay của nhân dân cả nước cùng Đảng và Nhà nước nỗ lực cứu trợ đồng bào lũ lụt thông qua nhiều chương trình, hành động quyên góp, ủng hộ, từ thiện thật đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng chúng ta cũng phải rất rõ ràng rằng, nghĩa cử ấy mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn là vật chất.

Có mấy lý do chính sau đây:

Một là, giữa vùng nước lũ mênh mông, các đội từ thiện cũng chỉ tiếp cận được một số nhà dân ở phía ngoài mà thôi. Còn những nhà nằm ở sâu, đi lại khó khăn hiểm trở, thì chỉ có chính quyền địa phương, lực lượng quân đội, công an mới đến được.

Hai là, giúp dân, hỗ trợ dân đâu chỉ tính trong ngày một ngày hai. Để lo sinh kế lâu dài, khôi phục sản xuất và cuộc sống sau lũ trên diện rộng, họ cần sự hỗ trợ vật chất lớn hơn nhiều. Và đó là sự hỗ trợ từ nhà nước, với nguồn lực rất lớn.

Một biểu hiện chống phá nữa, đó là các đối tượng đưa ra luận điệu sai trái rằng tình hình bão lũ ở miền Trung do thiên tai thì ít mà nhân tai thì nhiều.

Tinh vi ở chỗ, họ tung ra những bài viết, trả lời phỏng vấn trên một số tờ báo nước ngoài chuyên xuyên tạc tình hình Việt Nam với những thông tin mập mờ, võ đoán, nhằm quy kết, đổ lỗi cho công tác phòng chống thiên tai của Nhà nước. Từ đó, kêu gọi người dân “đấu tranh đòi quyền lợi” và cuối cùng vẫn là bổn cũ soạn lại “phải thay đổi chế độ”.

“Việt Nam bỏ rơi công dân ở nước ngoài” – luận điệu vô lý trắng trợn

Việc lợi dụng những thời điểm khó khăn của đất nước và nhân dân để chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động không phải là mới. Chúng ta cũng đã thấy rõ động cơ bất lương này trong những ngày đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở Việt Nam.

Ngoài âm mưu vẽ lên một bức tranh đen tối về tình hình dịch bệnh, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân, các đối tượng còn xuyên tạc về công tác bảo hộ công dân của Chính phủ ta trong đại dịch.

Họ rêu rao rằng Việt Nam bỏ rơi công dân của mình ở nước ngoài, hay người có tiền đều có thể về được, không phân biệt tuổi tác, còn người không có tiền thì dù trẻ hay già cũng không có suất mà về.

Các đối tượng xấu xuyên tạc về công tác bảo hộ công dân của Chính phủ trong dịch COVID-19

Rõ ràng, đây là những luận điệu vô lý trắng trợn bởi đến nay đã có hơn 50.000 công dân được Chính phủ đưa về nước an toàn. Hàng loạt biện pháp bảo hộ, “giải cứu” công dân đã liên tục được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện trong suốt nhiều tháng qua. Các chuyến bay đưa công dân Việt Nam trở về quê hương vẫn sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

“Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta”. Lời chia sẻ của một công dân trở về từ Hàn Quốc trong những dòng lưu bút gửi lại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô sau khi trải qua 14 ngày cách ly khiến nhiều người xúc động. Và đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều công dân khi được trở về Tổ quốc trên những chuyến bay bảo hộ công dân.

Thế nhưng, có những kẻ, không bao giờ muốn đọc, muốn nghe và có lẽ, nếu có đọc được, nghe được họ cũng không thể hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của lời chia sẻ ấy khi mà luôn rắp tâm nghĩ điều xấu, làm điều xấu.

Đó là các tổ chức phản động như: Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, một số tờ báo như: BBC Tiếng Việt, VOA, RFA, trang facebook: Nhật ký yêu nước, Chân trời mới media, Hội anh em dân chủ, “Voice”… cùng số đối tượng phản động, thù địch.

Bằng nhiều chiêu trò, họ tìm mọi cách phủ nhận, xuyên tạc những thành công quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc chiến chống đại dịch. Trong khi, đây là kết quả đã được các tổ chức quốc tế lớn, nhiều lãnh đạo quốc gia, nhiều hãng truyền thông uy tín ghi nhận và đánh giá cao.

Tỉnh táo trước những chiêu trò, thủ đoạn tinh vi tung tin xuyên tạc

Để tiến hành những âm mưu trên, các thế lực thù địch, phản động thường dùng chiêu thức tung tin giả, tin xuyên tạc, mập mờ kiểu trắng đen lẫn lộn. Những tin này có thể nằm trong các bài viết được đăng trên mạng xã hội, những bài báo, bài phỏng vấn, tọa đàm trực tuyến của một số tờ báo ở hải ngoại để tạo vỏ bọc tin cậy cho thông tin.

Thậm chí, kẻ xấu còn xây dựng những trang web giả mạo các cơ quan trung ương ở trong nước, đăng tải thông tin lên đó để đánh lừa người xem. Đáng chú ý, một số trang tin phản động còn thường xuyên cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh, tạo video… với nội dung vu cáo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo.

Những thông tin giả, xấu độc trong mưa lũ, trong dịch bệnh có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Nhẹ nhất thì cũng gây xôn xao, hoang mang, bán tín bán nghi trong người dân về tình hình thiên tai, dịch bệnh, về công tác cứu hộ cứu trợ đang rất khẩn trương, cấp bách, công tác dập dịch.

Những thông tin giả, xấu độc trong mưa lũ, trong dịch bệnh có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường

Cũng có thể những tin giả, xấu chỉ khiến cá nhân nào đó phiền lòng, ảnh hưởng tới suy nghĩ và việc làm thiện nguyện vốn rất cần nhân lên thành sức mạnh cộng hưởng trong xã hội, cộng đồng. Nhưng nguy hại nhất là những thông tin nhằm mục đích chống phá. Chúng có thể khiến lòng người phân tâm, ly tán, thiếu lòng tin vào Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị.

Sâu xa hơn là làm suy yếu, dần vô hiệu hóa vai trò của Đảng, Nhà nước, nhất là trong bối cảnh nước ta đang đảm nhiệm trọng trách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA.

Động cơ, mục đích của những kẻ xấu thì đã rõ. Nhưng thật tiếc rằng, thời gian qua, những luận điệu xuyên tạc, những thông tin sai trái đó khi chia sẻ trên các trang mạng xã hội, vẫn có những bài đạt tới hàng nghìn lượt chia sẻ, nhiều bình luận khiếm nhã.

Vì vậy, vấn đề quan trọng là chúng ta liệu có đủ TỈNH TÁO để phân biệt thật – giả, đúng – sai, hay – dở, để tránh rơi vào cái bẫy được dựng lên ngày càng tinh vi của những kẻ đục nước béo cò hay không? Điều đó phụ thuộc rất lớn vào nhận thức và hành động của mỗi chúng ta.

Những luận điệu xuyên tạc, gây chia rẽ kia rồi cũng sẽ rơi vào lạc lõng bởi người Việt Nam chân chính rất kiên cường. Càng trong khó khăn càng đoàn kết lại, càng có sức mạnh để cùng nhau vươn lên.

Những hành động cao đẹp, nghĩa cử nhân văn, xúc động đã tỏa sáng trong đợt thiên tai và dịch bệnh vừa qua. Đó cũng là sức mạnh nội sinh để tạo động lực giúp gần 100 triệu người Việt vượt qua mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù.

(Theo vtv.vn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.