TÔN TRỌNG VÀ BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI LÀ CHỦ TRƯƠNG NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Ngày 11/5/2024, trên trang mạng của Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã tán phát bài viết “Hơn 300 khuyến nghị cho Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc” với nội dung xuyên tạc phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Chúng vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền trên nhiều lĩnh vực; kêu gọi thành lập “Cơ quan nhân quyền quốc gia” ngoài sự quản lý của Nhà nước, cho phép thành lập “Công đoàn độc lập” ở Việt Nam… Thực chất đây vẫn là những chiêu trò cũ của các thế lực thù địch nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có thể thấy, trong suốt các thời kỳ lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm bảo vệ và thực thi các quyền con người. Tại Điều 10 Hiến pháp năm 1946 nhấn mạnh, công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Đến Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung các quy định về quyền con người, trong đó khẳng định rõ hơn việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất của Việt Nam trong việc bảo đảm nhân quyền của công dân Việt Nam.

Đảng và Nhà nước Việt Nam khẳng định, quyền con người, quyền công dân là mục tiêu, động lực của sự phát triển, là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quyền con người, quyền công dân được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,… Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân được bảo đảm bằng Hiến pháp, pháp luật và không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Bất cứ ai vi phạm các quyền này đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã tự nguyện thực hiện 03 lần công bố Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và tích cực thực hiện hầu hết các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền sau các kỳ báo cáo. Ngoài ra, ngày 11/10/2022 với 145 phiếu ủng hộ, lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, điều này khẳng định sự tiến bộ về nhân quyền ở Việt Nam được quốc tế công nhận nên RFA không thể xuyên tạc, phủ nhận. Còn cái mà chúng đòi kêu gọi thành lập “Cơ quan nhân quyền quốc gia” hay “Công đoàn độc lập” ở Việt Nam, thực chất đây là cái cớ để các thế lực thù địch hình thành các lực lượng đối lập với các cơ quan của hệ thống chính trị nước ta, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Từ những thực tế trên có thể thấy, các luận điệu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, hay rêu rao rằng Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền… chỉ là những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu khống vô căn cứ của các thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta mà thôi. Việt Nam luôn kiên định và ngày càng chứng minh con đường xã hội chủ nghĩa mà chúng ta lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta cần hết sức tỉnh táo, đề cao tinh thần cảnh giác để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và đập tan thủ đoạn “lợi dụng dân chủ, nhân quyền” chống phá của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay.

TIỀU PHU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *