Từ các ngụy biện “Niềm tin và tinh thần”, Pháp luân công đã “Dẫn dắt” các đệ tử thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như thế nào?

Hiện nay ở Việt Nam, Pháp luân công không được công nhận là một tôn giáo, tín ngưỡng hay một môn thể dục, thể thao. Thực tế, chẳng có công trình, tài liệu khoa học nào chứng minh cho những gì Pháp luân công quảng cáo rằng “không cần ăn vẫn sống, không cần thuốc vẫn hết bệnh, hay có thể kéo dài tuổi thọ trên trăm năm” là đúng. Tuy nhiên, lợi dụng mơ ước của con người về một cuộc sống không bệnh tật, sân si, Pháp luân công đã lôi kéo, dụ dỗ nhiều người tham gia giáo phái tự phát này. Thoạt đầu cứ tưởng người tham gia tự nguyện luyện tập, không bị cưỡng ép, tuy nhiên thực chất hoàn toàn trái ngược. Pháp luân công bằng một loạt ngụy biện về “niềm tin và tinh thần” dưới vỏ bọc khí công dưỡng sinh tốt cho tâm tính, đề cao đạo đức… đã dùng các lời nói, chiêu bài dối trá để lôi kéo, thu hút “đệ tử”, sau đó thực hiện các hành vi kiểm soát tâm linh và xúi giục, ép buộc họ về mặt ý chí phải thực hiện những điều mà Pháp luân công cho rằng đó là ý muốn của sức mạnh tâm linh, trong đó có các hành vi có tính chất phản văn hóa, phản xã hội, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Hiện có khoảng trên 8.000 người Việt Nam tham gia Pháp luân công, trong đó có người cao tuổi, cán bộ nghỉ hưu, thanh niên, sinh viên, cá biệt có những người là đảng viên, người trong lực lượng vũ trang, nhà khoa học, giáo viên, bác sĩ, văn nghệ sĩ… Một số đối tượng cầm đầu, cốt cán Pháp luân công đã móc nối, liên hệ phối hợp để tuyên truyền, phát tán tài liệu về Pháp luân công; đồng thời lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý và đấu tranh của chính quyền địa phương đã có những hành động vu cáo, xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền, gây phức tạp nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Một số đối tượng theo Pháp luân công đã công khai trương các băng rôn, khẩu hiệu, viết bài đăng trên các trang mạng xã hội chống phá Đảng, Nhà nước ta… Có thể kể đến một số hoạt động cụ thể gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gây chú ý trong thời gian qua do các đệ tử Pháp luân công thực hiện, như:

Lợi dụng việc Quốc hội xin ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, một số đối tượng theo Pháp luân công đã xuyên tạc và đòi xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi phải lấy nguyên lý “chân – thiện – nhẫn” của Lý Hồng Chí để xây dựng Hiến pháp mới.

Năm 2011, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án Vũ Đức Trung là đối tượng tham gia Pháp luân công và đồng bọn về tội “Đưa trái phép thông tin trên mạng viễn thông”. Lợi dụng việc này, hàng trăm đối tượng theo Pháp luân công đã tụ tập biểu tình trước trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội gây rối an ninh trật tự, đòi trả tự do cho Vũ Đức Trung và đồng bọn.

Năm 2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử bốn đối tượng tham gia Pháp luân công là Nguyễn Doãn Kiên, Trịnh Minh Khánh, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiệm về tội “Gây rối trật tự công cộng” vì chúng đã mang búa tạ vào khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh với ý đồ đập phá Lăng, đòi đưa thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh ra khỏi Lăng. Trước đó, các đối tượng này đã có ý đồ dùng dây cáp để kéo đổ tượng đài Lê Nin tại Công viên Lê Nin, Hà Nội, nhưng bất thành do dây cáp bị đứt.

Năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên xét xử bốn đối tượng tham gia Pháp luân công về tội “Cướp tài sản” và tội “Cướp giật tài sản”. Lợi dụng việc này, có khoảng 100 đối tượng theo Pháp luân công tụ tập ở khu vực trụ sở Toà án thành phố để tuyên truyền việc tập luyện Pháp luân công tốt cho sức khỏe và cho rằng bốn đối tượng này chỉ lấy lại tài sản của họ nhưng lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền video của ông Nguyễn Quang Thống – nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân trong đó có nội dung xem Pháp luân công như một môn thần dược cải lão hoàn đồng, chữa được bệnh ung thư, khuyên Nhà nước nên phổ biến Pháp luân công và mọi người nên học tập theo. Theo ông Nguyễn Quang Thống, Pháp luân công không liên quan tới chính trị! Vậy không hiểu những đệ tử theo Pháp luân công như ông Nguyễn Quang Thống giải thích về những vụ việc bên trên như thế nào?

Từ những hệ lụy mà Pháp luân công đã gây ra trong thời gian qua, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có các biện pháp đấu tranh mạnh hơn nữa với các đối tượng lợi dụng các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật, âm mưu gây mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Và mỗi người dân cần tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với các luận điệu dối trá, lôi kéo, xúi dục thực hiện các hành vi đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc.

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.