Tự do báo chí không phải thứ tự do nằm ngoài pháp luật

LS Lê Công Định cư trú tại TP Hồ Chí Minh đã nói với BBC rằng: Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định tại Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, LS Lê Công Định cho rằng hành xử thực tế của chính quyền thường lệch lạc so với những tuyên bố hoa mỹ và rằng “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” là minh chứng cho cách sử dụng luật pháp, để hạn chế và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của công dân.

Không hiểu ông Định hiểu như thế nào về “tự do báo chí”? Phải chăng theo ông “tự do báo chí” là thứ tự do nằm ngoài luật pháp; thứ tự do mà không bị ràng buộc bởi bất cứ một nguyên tắc nào, thứ tự do mà ai muốn viết sao thì viết, muốn nói gì thì nói, muốn động đến ai thì động, muốn bêu riếu ai thì bêu riếu… hay có phải ông cho rằng báo chí là một thứ quyền lực bất khả xâm phạm? Người Việt Nam có câu: Nước có quốc pháp; nhà có gia quy; nề nếp gia đình và trật tự xã hội đều phải được quy định bởi đạo lý và luật pháp. Báo chí là một hoạt động xã hội, thì dù ở đâu, thể chế chính trị nào, phục vụ cho ai cũng phải ràng buộc bởi những điều pháp luật quy định. Xin hỏi ông Định có đất nước nào trên thế giới này mà báo chí nằm ngoài luật pháp hay không? Có đất nước nào trên thế giới này mà không có những quy định ràng buộc báo chí hay không? Chắc chắn là không. Vậy nên, nếu nói Việt Nam sử dụng pháp luật để tước đoạt quyền tự do ngôn luận của công dân là xuyên tạc sự thật.

Để minh chứng, ông Định viện dẫn một số điều của luật mà theo ông đã tước đoạt quyền tự do của báo chí như: Quy định về các tội: “Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam”; “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”; “Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và “Tội vô ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Xin hỏi những quy định ràng buộc này có gì sai, nếu không muốn nói là rất cần thiết đối với sự tồn vong của bất kỳ một quốc gia, dân tộc nào. Là người Việt Nam, lại là một trí thức, lẽ nào người đã từng là luật sư như Lê Công Định lại không nhận thức được điều này. Trong khi đó, Tổng Biên tập trang mạng Viethaingoai.net tại Mỹ, ông John Lee, bút danh Amari, lại có một cái nhìn hết sức chân thực. Theo ông John Lee: Đối với báo chí phương Tây, luật pháp của các quốc gia đều có những quy định nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của báo chí. Các chính phủ đều phân biệt những thông tin nào được phép phổ biến và những thông tin nào thuộc loại phổ biến hạn chế hay tuyệt mật với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ cũng ban hành nhiều luật lệ nhằm ngăn ngừa sự vi phạm của người làm báo trong lúc hành nghề. Ông John Lee khẳng định: Làm gì có cái gọi là “tự do báo chí” nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ như một số nước phương Tây vẫn tuyên bố và thúc đẩy… Đó là thứ tự do giả dối, lừa gạt dư luận.

Ông John Lee cho rằng Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí. Mọi hoạt động báo chí đều phải phục vụ sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Luật Báo chí chỉ cấm các hoạt động báo chí đi ngược lại lợi ích tối cao của đất nước là độc lập, tự do của dân tộc, thành quả kết tinh sự hy sinh của biết bao thế hệ người Việt Nam mới giành được; cấm các hành động tuyên truyền chống lại con người, làm tổn hại đến quốc phòng – an ninh; tuyên truyền chống phá Nhà nước. Báo chí Việt Nam có quyền đề cập tất cả các vấn đề mà pháp luật không cấm. Pháp luật chỉ cấm báo chí tuyên truyền kích động bạo lực, kích dục, tuyên truyền cho chiến tranh, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân… Đây là điều cần thiết đối với tất cả các nước tiến bộ trên thế giới trong việc xây dựng đất nước hòa bình, xã hội an yên, gia đình hạnh phúc.

Báo chí Việt Nam đã tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, phát hiện những việc làm trái với pháp luật, những việc làm đi ngược lại lợi ích của Nhân dân. Rõ ràng, ở Việt Nam, vai trò của báo chí ngày càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, nên không thể có cái gọi là “báo chí mất tự do”, càng không thể coi sự quản lý báo chí bằng pháp luật ở Việt Nam là cản trở quyền tự do báo chí. Đó chỉ là luận điệu của những kẻ chuyên hành nghề vu khống, mưu đồ cá nhân, mưu toan quyền lực…

Tôi không bình luận gì thêm về đánh giá của ngài Tổng Biên tập – ông John Lee, vì như thế cũng đủ thấy rõ rằng ông Định còn thiếu quá nhiều thông tin trước khi phát ngôn trên BBC về điều mà ông gọi là “sự tước đoạt quyền tự do báo chí ở Việt Nam”. Xin được nhắc với ông Định rằng, luật pháp Việt Nam sẽ không dung thứ cho bất kỳ ai lợi dụng tự do báo chí, lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền bá những luận điệu phản động làm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đe dọa đến cuộc sống bình yên của Nhân dân.

VĂN TÒA/PYOL

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.