Tự do tôn giáo, tín ngưỡng nhưng phải thượng tôn pháp luật, vì lợi ích quốc gia, dân tộc
Những ngày qua, nhiều người tỏ ra bức xúc trước việc cả ngàn người tụ tập tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh để tham gia cầu nguyện trong đó có nhiều người già và trẻ em. Đáng chú ý, tại các buổi cầu nguyện, các giáo dân đã trưng ra nhiều câu slogan (khẩu hiệu) như “Đề nghị chính quyền tôn trọng nhân quyền và tự do cho tôn giáo”, “Bách hại tôn giáo, sách nhiễu linh mục tu sỹ là một tội ác”, “Yêu cầu tôn trọng quyền tự do sinh hoạt tôn giáo”…
Việt Nam có tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo hay không?
Là những giáo dân này không biết hay cố tình lờ đi rằng kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1982, Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn trong việc bảo vệ và phát huy quyền con người, nhất là trên các lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn hệ thống pháp luật về quyền con người, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển kinh tế – xã hội, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội, báo chí, hội nhập quốc tế sâu rộng… Tất cả các nỗ lực cải cách của Việt Nam nhằm nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối nội, đối ngoại, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…
Chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Các chính sách này đã được cụ thể hóa bằng pháp luật và bảo đảm trên thực tế. Tại Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rất rõ rằng “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Những năm qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trên thực tế, hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với hơn 55.000 chức sắc, 145.000 chức việc, 29.000 cơ sở thờ tự. 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hằng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt, nhiều hoạt động, sự kiện tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam trong thời gian qua như: Kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)…
Bấy nhiêu dẫn chứng trên cũng đủ để hiểu Việt Nam có tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo hay không! Vậy những giáo dân kia dựa vào đâu mà trưng ra những câu slogan mang tính chụp mũ, vu khống trắng trợn như thế?
Dịch bệnh COVID-19 không lây lan trong cộng đồng giáo dân?
Trong lúc đại dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường. Đảng, Chính phủ ta đã và đang quyết liệt chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống, dịch, trong đó yêu cầu người dân tránh tụ tập đông người. Thế nhưng tại Giáo phận Hà Tĩnh vẫn có hàng ngàn người ngang nhiên tụ tập, phớt lờ quy định và hướng dẫn của chính quyền. Lẽ nào những linh mục, giáo dân đang tụ tập kia cho rằng COVID-19 không lây lan trong cộng đồng giáo dân? Thật nực cười! Đại dịch đang hoành hành khắp thế giới, ngay cả thủ phủ của Thiên Chúa giáo là Thành Vatican (nằm ở Italia) cũng “thất thủ”. Lẽ nào COVID-19 chừa Giáo phận Hà Tĩnh ra?
Theo khoa học thì chỉ có thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị và kiểm soát dịch một cách nghiêm túc nhất thì mới có thể làm giảm nguy cơ lây lan trên diện rộng. Việc cả ngàn người tụ tập tại một số giáo xứ thuộc Giáo phận Hà Tĩnh dễ dẫn đến nguy cơ lây lan COVID-19 rất cao và khó kiểm soát nếu không may có người mắc COVID-19 trong số những người này. Không ai kỳ thị hay ngăn cấm các tôn giáo hoạt động nhưng tín ngưỡng, tôn giáo không bao giờ được đứng cao hơn pháp luật, cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc!
M.A.