Văn hóa xin lỗi tạo sức mạnh thuyết phục, cảm hóa (bài 2)
Không ai muốn mắc khuyết điểm, sai lầm để phải xin lỗi, nhưng khi đã mắc khuyết điểm, chính sự thẳng thắn, trung thực, chân thành, cầu thị nhận và quyết tâm khắc phục khuyết điểm của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) sẽ tạo nên trường văn hóa mới, có tác dụng giáo dục, thuyết phục, cảm hóa mạnh mẽ.
Cấp ủy, tổ chức đảng và hệ thống chính trị các cấp cần nuôi dưỡng, nhân lên những nét đẹp ấy để xây dựng môi trường văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh.
Từ chuyện thường ngày ở cơ sở
Anh bạn đồng nghiệp của tôi là một biên tập viên yêu nghề, trình độ chuyên môn khá. Từ một thầy giáo, vì có năng lực và say nghề nên anh được tuyển dụng vào làm công tác biên tập tại một nhà xuất bản có uy tín. Làm việc được mấy tháng thì anh mếu máo báo tin dữ: Bị giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản kỷ luật, buộc treo bút 6 tháng vì sai sót chuyên môn. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức bản thảo thì thấy lỗi không hoàn toàn thuộc về cá nhân anh mà là sai sót của cả hệ thống. Trong cuộc họp giao ban sau đó, giám đốc, tổng biên tập đã xin lỗi biên tập viên, thu hồi quyết định kỷ luật và thẳng thắn nhận lỗi thiếu kiểm tra, sâu sát, cách làm việc có biểu hiện quan liêu của bản thân. Anh bạn tôi cảm thán: “Em chỉ nghĩ thoát được án kỷ luật đã là hạnh phúc, đâu ngờ giám đốc lại bày tỏ lời xin lỗi rất chân thành khiến em vô cùng nể phục và xúc động. Thái độ của anh ấy đã xóa tan mọi nghi ngờ, vướng mắc trong nội bộ cơ quan”.
Kể một câu chuyện nhỏ như vậy để muốn nói một điều có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều, rằng khi người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thái độ nhận lỗi, sửa sai một cách thực tâm, chân thành thì chính việc làm ấy trở thành phương thuốc, là chất xúc tác cực mạnh lan truyền tính thuyết phục và hiệu quả cảm hóa. Trong trường hợp trên, nếu vị cán bộ ấy né tránh xin lỗi, sửa sai bằng thái độ trịch thượng, kẻ cả hoặc vòng vo đổ lỗi cho cấp dưới thì cũng chẳng ai làm gì được, nhưng nó sẽ để lại hệ quả nặng nề trong tư tưởng cán bộ, nhân viên thuộc quyền, gây ra những bàn tán xì xào, nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ. Môi trường văn hóa công sở vì thế khó mà trong sạch, tiến bộ.
Điều đáng nói là trong cuộc sống, công việc hằng ngày, không ít CB, ĐV vì nhiều lý do, lại coi đó là chuyện nhỏ, chuyện vặt. Họ không ý thức được rằng nhiều nhỏ góp lại thành to, nhiều sự việc sẽ kết thành hệ thống, bản chất, hình thành nên thói quen của một thứ ngụy văn hóa. Khi lỗi nhỏ có thể lờ đi thì đứng trước những lỗi lớn, những sai lầm nghiêm trọng cũng sẽ tìm cách che giấu, né tránh.
Cán bộ suy thoái phẩm chất đạo đức là từ những thứ ngỡ như chuyện nhỏ, chuyện vặt ấy chứ đâu phải là cái họa trên trời rơi xuống.
Đến tầm quốc gia đại sự
Cán bộ cấp nào thì văn hóa xin lỗi sẽ ảnh hưởng đến môi trường văn hóa ở phạm vi tương ứng. Cán bộ càng cao, sức ảnh hưởng, thuyết phục càng lớn. Trong bầu không khí dân chủ chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, dư luận truyền thông và mạng xã hội lại nhắc lại lời xin lỗi và thái độ cầu thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) như một cách nêu gương mẫu mực về thái độ nhận và sửa chữa khuyết điểm. Chuyện xảy ra từ 5 năm trước, trong chuyến công tác của Thủ tướng về thăm và làm việc tại TP Hội An (Quảng Nam). Trong lúc Thủ tướng cùng đoàn cán bộ đang đi bộ phía trước thì ở phía sau, đoàn xe phục vụ chạy vào con đường có biển báo cấm ô tô. Cảnh này được một số người dân quay clip, chia sẻ trên mạng xã hội. Nắm được thông tin, Thủ tướng kịp thời nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi nhân dân. Thủ tướng nói: “Ở đây phải thấy rằng trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến đoàn công tác chưa tốt và Thủ tướng phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm”. Sau lời xin lỗi, Thủ tướng đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ ban hành hướng dẫn về việc bố trí sử dụng phương tiện tham gia đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ làm việc tại các địa phương, không tổ chức đón đoàn trên đường đi, chỉ tổ chức đón tại địa điểm đến công tác, trừ lực lượng công an dẫn đường. Hướng dẫn cũng nêu rõ, thành phần tham gia của tỉnh, thành phố không quá 3 xe ô tô, bao gồm xe chung của bí thư tỉnh ủy/thành ủy, chủ tịch UBND tỉnh/thành phố và xe chung của các sở, cơ quan, thành phần khác theo yêu cầu…
Từ lời xin lỗi chân thành đến quyết tâm sửa chữa khuyết điểm kịp thời, hiệu quả, hợp lòng dân, việc làm của Thủ tướng đã tác động sâu sắc đến nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, kịp thời chấn chỉnh những điều chưa phù hợp trong công tác đón, phục vụ các đoàn công tác từ Trung ương về địa phương.
Trong quá trình học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhiều đồng chí báo cáo viên các cấp đã dẫn lại câu chuyện về lời xin lỗi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) vào ngày 15-10-2012 để làm sáng rõ hơn bài học về thái độ nhận lỗi và văn hóa nêu gương của CB, ĐV. Phát biểu trước toàn Đảng, toàn dân, thay mặt Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận trách nhiệm trước những khuyết điểm, yếu kém của Đảng: “Ban Chấp hành Trung ương cũng tự kiểm điểm và nhận phần trách nhiệm của mình trong việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua. Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân và sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục”.
Thái độ nhận lỗi và lời cam kết cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta đã tạo nên chất xúc tác mạnh mẽ, bồi đắp, củng cố lòng tin của dân đối với Đảng. Thực tế đã chứng minh, kể từ ngày Tổng Bí thư thay mặt Trung ương Đảng nhận lỗi trước Đảng, trước dân tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), việc khắc phục những khuyết điểm, yếu kém đã được Đảng ta, nòng cốt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, chỉ đạo, triển khai thực hiện rất quyết liệt. Hành động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và những chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp của Tổng Bí thư đã tác động sâu sắc, toàn diện đến nhận thức, tư duy, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Hiệu quả của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng trong hệ thống chính trị với tinh thần kiên trì, kiên quyết, “chặt cành để cứu cây”, “trị một người để cứu muôn người”… đậm chất nhân văn xã hội chủ nghĩa (XHCN), đã xốc lại sức mạnh chiến đấu, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng. Lời cam kết “sẽ cố gắng làm hết sức mình để từng bước khắc phục” của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta đã hiện thực hóa sinh động trong thực tế. Sức mạnh của giáo dục, thuyết phục, cảm hóa từ thái độ nhận lỗi và văn hóa nêu gương ấy là vô cùng to lớn và quan trọng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng đã phát triển thành phong trào hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. Đây cũng chính là cơ sở thực tiễn sinh động để bổ sung, làm phong phú lý luận, không ngừng củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.
Tấm gương cho thế hệ kế cận, kế tiếp
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đã chỉ rõ: Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước XHCN sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau. Chính vì vậy, việc giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng chuyên sâu vào từng lĩnh vực, từng thuộc tính của phẩm chất, năng lực CB, ĐV cần được coi trọng thường xuyên, góp phần bảo đảm tính kế thừa và phát huy trong hệ tư tưởng, đạo đức cách mạng của các thế hệ. Lấy những bài học, kinh nghiệm đúc kết từ lịch sử và thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng truyền thụ cho thế hệ cán bộ trẻ, cán bộ kế cận, kế tiếp là công việc thường xuyên, thường ngày trong cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Cán bộ chủ trì, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị tuyệt đối không được coi nhẹ, lơ là, né tránh khuyết điểm. Những gì chúng ta thể hiện hôm nay chính là tấm gương cho thế hệ kế cận, kế tiếp. Một tấm gương phẳng, trong sáng, trong sạch sẽ cho hình ảnh chân thực; ngược lại, sự giấu giếm, cầu an, lắt léo kiểu “lươn, chạch” sẽ cho ra những hình ảnh méo mó, phản tác dụng. Chúng ta nhận được quả ngọt hay trái đắng sau khi rời vị trí công tác trở về với đời thường là do chính nhân quả chúng ta gieo và gặt trong quá trình làm công bộc của dân.
Ngăn ngừa suy thoái, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải đi từ những việc rất cụ thể hằng ngày, hằng giờ như thế chứ không phải là lý thuyết suông, giáo điều, quan liêu…
(còn nữa)
PHAN TÙNG SƠN/QĐND