XẾP HẠNG TỰ DO BÁO CHÍ – CHIÊU TRÒ XUYÊN TẠC TÁI DIỄN

Ngày 03/5/2024, tổ chức Reporter sans frontiers, viết tắt là “RSF” (Tổ chức Phóng viên không biên giới hay Ký giả không biên giới) lại tiếp tục công bố cái gọi là báo cáo về “Chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2024”, xếp Việt Nam thứ 174/180 quốc gia về tự do báo chí. Sở dĩ xếp thứ hạng thấp như vậy được lý giải rằng “Việt Nam cầm tù nhà báo có hệ thống, khiến nước này nằm trong nhóm nước có nền báo chí tồi tệ nhất thế giới”. Điều đáng nói, đây không phải lần đầu RSF đưa Việt Nam vào nhóm báo động đỏ. Được dịp “té nước theo mưa”, các tổ chức, đối tượng phản động, chống đối lại a dua, lợi dụng “bảng xếp hạng” để xuyên tạc, bôi xấu tình hình báo chí Việt Nam.

Trước hết phải khẳng định rằng, tổ chức RSF khác với cái tên mỹ miều của nó, không được thành lập nhằm thực hiện các hoạt động giúp thúc đẩy tự do báo chí của thế giới, trên thực tế các hoạt động của tổ chức này đều thể hiện ý đồ, động cơ chính trị qua các hoạt động như: Đưa ra các báo cáo, bảng xếp hạng mang nội dung xuyên tạc, áp đặt, cho thấy sự bất hợp lý nhằm bôi nhọ, hạ uy tín, hình ảnh của Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Tổ chức này không đưa ra được các luận điểm, luận cứ có tính xác đáng để viện dẫn, những người được tổ chức này phỏng vấn, thu thập thông tin đều có những đối tượng có vấn đề về nhận thức chính trị, là đối tượng có thân nhân xấu, bất hảo, có hành vi vi phạm pháp luật, kích động, chống phá Việt Nam một cách mù quáng.

Luật Báo chí 2016 quy định rõ, công dân được tham gia vào các quy trình sáng tạo, sản xuất sản phẩm báo chí, tiếp nhận báo chí, ngôn luận trên báo chí theo quy định (Điều 11); “Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân” (Điều 13); tự do báo chí phải trong khuôn khổ chứ không phải là thứ tự do vô giới hạn, vô chính phủ, đứng ngoài pháp luật.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện; có 15 cơ quan báo chí nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra còn có 127 cơ quan báo; 671 cơ quan tạp chí; có 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình, số trang thông tin điện tử tổng hợp đã cấp phép còn hoạt động là 1.924 trang (riêng năm 2023 cấp giấy phép cho 90 trang, số trang thông tin điện tử tổng hợp của cơ quan báo chí, còn hoạt động là 136 trang). Đi liền với đó là nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí hiện nay khoảng 41.000 người; trong đó, Khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học ngành báo chí.

Việt Nam là quốc gia tự do, bình đẳng, luôn bảo đảm quyền tự do trong hoạt động báo chí, tự do ngôn luận của Nhân dân, nhưng phải trên tinh thần thượng tôn Pháp luật, không làm xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các đối tượng phản động, tự xưng là “Người yêu nước” luôn lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí nhằm tổ chức tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại xu thế phát triển tất yếu của xã hội, đều bị xử lý thích đáng theo đúng quy định của Pháp luật.

Đơn cử tại tỉnh Phú Yên, năm 2021 Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên phạt 08 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đối với Trần Thị Tuyết Diệu (sinh năm 1988, trú thôn Xuân Thạnh 1, xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa, Nguyên là Nhà báo tại Báo Phú Yên, bị thu hồi thẻ Nhà báo vào tháng 02/2018). Diệu đã có hành vi sử dụng máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị quay phim để làm, tàng trữ 25 bài viết và 09 video có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đó đăng tải, phát tán trên mạng xã hội Facebook “Tuyết Babel” và kênh Youtube “Tuyết Diệu Trần” do mình tạo lập, quản lý, sử dụng. Ngoài ra, Diệu còn tàng trữ 07 bài viết khác có nội dung tương tự trong máy tính xách tay.

Những hành vi của các đối tượng chống phá như Trần Thị Tuyết Diệu đều bị xã hội lên án và yêu cầu Nhà nước có chế tài xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội để bảo đảm trong sạch cho môi trường thông tin, báo chí, tuyên truyền, hạn chế, loại bỏ những thông tin xấu, độc gây ảnh hưởng tác động xấu đến đời sống xã hội.

Với những số liệu đa dạng, khách quan nêu trên, có thể thấy “Báo cáo” mà tổ chức RSF công bố là hoàn toàn sai sự thật, là sự xuyên tạc trắng trợn vào thực tế báo chí Việt Nam và càng rõ hơn bản chất thật của tổ chức trá hình này.

MPT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *