KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH BÁC BỎ CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CHỦ TRƯƠNG SÁP NHẬP TỈNH

Việc sáp nhập các tỉnh là một chủ trương lớn, được Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất quyết nghị thông qua, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, giảm biên chế và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đây là bước đi chiến lược trong tiến trình cải cách bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, các thê lực thù địch, cơ hội chính trị lại triệt để lợi dụng chủ trương đúng đắn này của Đảng, Nhà nước ta để tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc và sai lệch như: “Sáp nhập tỉnh là vi phạm dân chủ vì không trưng cầu ý dân”; “Sáp nhập nhằm tập trung quyền lực, thanh trừng phe cánh”; “Sáp nhập sẽ gây hỗn loạn, mất an ninh trật tự”; hay “Sáp nhập làm mất bản sắc văn hóa, ảnh hưởng quyền lợi người dân”… Đây là những nhận định phiến diện, cố tình bóp méo bản chất của vấn đề, nhằm gây hoang mang dư luận, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, một số kênh truyền thông nước ngoài như RFA, Việt Tân, BBC Tiếng Việt… đã lợi dụng vấn đề này để tuyên truyền rằng việc không trưng cầu ý dân trong quá trình sáp nhập là vi phạm dân chủ. Thực tế, sáp nhập tỉnh là một biện pháp hành chính – pháp lý, được triển khai theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, bảo đảm nguyên tắc dân chủ và quyền làm chủ tập thể của Nhân dân. Trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp chỉ áp dụng với những vấn đề đặc biệt quan trọng, chứ không phải là thủ tục bắt buộc trong việc điều chỉnh đơn vị hành chính cấp tỉnh. Do đó, việc không tiến hành trưng cầu trong trường hợp này không đồng nghĩa với vi phạm dân chủ hay phớt lờ ý kiến người dân.

Ngoài ra, việc cho rằng thực hiện sáp nhập tỉnh là cách Đảng tập trung quyền lực, loại bỏ đối thủ chính trị hay thanh trừng phe cánh hoàn toàn là những luận điệu sai trái, mang tính quy chụp, đánh tráo bản chất, nhằm gây chia rẽ nội bộ và làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trên thực tế, mục tiêu cốt lõi của chủ trương sáp nhập là cải cách bộ máy, giảm trùng lặp trong quản lý, tăng cường hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Ban Chỉ đạo Trung ương đã có chỉ đạo rõ ràng, bài bản trong quá trình tổ chức sắp xếp, bảo đảm sự ổn định, thông suốt của hoạt động chính quyền, không để xảy ra gián đoạn công việc hay phát sinh điểm nóng phức tạp. Công tác bảo đảm an ninh trật tự được đặt lên hàng đầu, vì vậy, không có cơ sở cho những lo ngại về sự hỗn loạn hay mất ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, việc sáp nhập được thực hiện dựa trên các tiêu chí khoa học, hợp lý, tính đến yếu tố địa lý, kinh tế – xã hội và truyền thống văn hóa. Mục tiêu là mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò đầu tàu của các trung tâm kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc sáp nhập không làm mất đi bản sắc văn hóa, mà ngược lại, còn tạo điều kiện để bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống trong bối cảnh mới.

Tóm lại, chủ trương sáp nhập tỉnh là một quyết sách đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đất nước một cách toàn diện. Các luận điệu xuyên tạc về dân chủ, quyền lực, bất ổn xã hội hay văn hóa đều là những thông tin sai lệch, thiếu căn cứ, mang tính quy chụp, suy diễn vì động cơ chính trị đen tối. Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái, đồng thời chung sức đồng lòng thực hiện thành công chủ trương quan trọng này của Đảng và Nhà nước.

QUANG MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *