Nhân danh tự do ngôn luận để xuyên tạc – Thủ đoạn cũ nhưng hết sức nguy hiểm!

Khi nhắc về những tổ chức nhân danh tự do để xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn thì ắt hẳn rất nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến những cái tên “đình đám” trong làng truyền thông thế giới, như VOA, RFA, RFI, BBC… Với thủ đoạn nhân danh tự do, bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận…, các nhà đài này bằng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt đã cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật làm sai lệch thông tin, gây phương hại đến hình ảnh, sự phát triển của quốc gia khác, ảnh hưởng xấu đến quan hệ quốc tế… Và Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên nằm trong “tầm ngắm xuyên tạc” của các nhà đài này. Thủ đoạn này tuy không mới nhưng hết sức nguy hiểm, cần phải được nhận diện một cách rõ ràng.

Nhận diện thủ đoạn của những tổ chức nhân danh tự do ngôn luận để xuyên tạc!

Thứ nhất, các tổ chức này triệt để sử dụng thủ đoạn giật tít với ngôn từ giật gân, gây sự chú ý bằng những từ ngữ ẩn chứa thông điệp quy chụp, kích động, chống phá, hằn học, gièm pha,… hết sức phi lý hòng thu hút người đọc, người xem. Chỉ cần nhìn các tiêu đề bài báo, video có thể nhận ra ngay mục đích, ý đồ thực sự của đội ngũ những người vận hành các kênh truyền thông trên đó là hướng đến sự lệch lạc, thiếu tôn trọng sự thật khách quan, quy chụp về quốc gia khác.

Thứ hai, có một điểm chung nữa của các cơ quan truyền thông phương Tây kể trên, đó là sự phiến diện, mất cân bằng trong thông tin. Điều này thể hiện rõ ràng qua sự tiếp cận góc nhìn và hệ thống luận điểm, luận cứ đưa ra đã diễn ra suốt bao năm qua. Thông qua việc họ chỉ tập trung đào bới, xoáy sâu vào những thông tin tiêu cực, những hạn chế, thiếu sót trong các lĩnh vực; đồng thời, quy chụp những hiện tượng cá biệt thành bản chất và cố tình lờ đi những thành quả to lớn mà Việt Nam đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển.

Sự thật cần phải được tôn trọng!

Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Song Điều 29 và Điều 30 của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền cũng khẳng định một điểm chung bắt buộc, đó là các quyền tự do ấy phải trong khuôn khổ pháp luật của từng quốc gia độc lập, trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, chứ không thể có một thứ gọi là tự do tùy tiện, bất chấp.

Trên thực tế, sự phát triển vượt bậc của Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được thể hiện rõ ràng qua những dẫn chứng sau: Ngày 07/6/2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận bầu Việt Nam làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện châu Á-Thái Bình Dương. Trước đó, Việt Nam đã hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ: 2008-2009, 2020-2021), 5 lần được bầu làm thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ: 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013, 2015-2019 và 2021-2025), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2016-2018)… Trong hơn hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 hoành hành khiến cả thế giới chao đảo, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới, trở thành “hình mẫu” trong phòng, chống dịch của thế giới. Cuối tháng 6/2022, Ngân hàng UOB (Singapore) đã công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo quý kế tiếp cho các thị trường, trong đó có Việt Nam. Báo cáo của UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, bởi đà tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn giữ nguyên trong quý II-2022… Trước đó, vào đầu tháng 6/2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng tiến trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ông Francois Painchaud – Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam – cho rằng, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023…

Bấy nhiêu dẫn chứng cụ thể trên cơ sở sự nhìn nhận, đánh giá khách quan của thế giới cũng đủ sức thuyết phục về sự tăng trưởng kinh tế, cũng như uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đủ để đánh bại những thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc của những kẻ nhân danh tự do, cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật làm sai lệch thông tin, gây phương hại đến hình ảnh, sự phát triển của Việt Nam. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật”. Điều này hoàn toàn đúng đối với báo chí truyền thông khi một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong hoạt động của báo chí truyền thông là phản ánh sự thật khách quan, tôn trọng sự thật một cách tuyệt đối, toàn vẹn. Chính vì thế, những kiểu nhân danh tự do để vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách trắng trợn, tinh vi, có hệ thống cần phải bị lên án!

Mộc An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.