CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC THÔNG TƯ 29/2024/TT-BGDĐT CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (gọi tắt Thông tư 29) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14/02/2025. Thông tư sau khi được ban hành đã nhận được rất nhiều sự đồng thuận, hoan nghênh của đa số phụ huynh, giáo viên cả nước. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này tổ chức khủng bố Việt Tân đã tán phát bài viết “Thông tư 29, cấm dạy thêm và nguy cơ thất thủ”. Nội dung bài viết cho rằng, Thông tư 29 sẽ thất bại và thất bại ngay khi đi vào cuộc sống. Đây thật sự là cách nhìn phiến diện, cực đoan của tổ chức khủng bố Việt Tân mà không thấy rằng, việc thực hiện Thông tư 29 sẽ tạo ra bước ngoặt cho một nền giáo dục công bằng.
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, vừa đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh, cũng như giáo viên. Theo đó, việc tổ chức dạy thêm chỉ được thực hiện khi học sinh có nhu cầu thực sự và phải có sự đồng ý của phụ huynh. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh tham gia các lớp học không cần thiết. Với học sinh tiểu học, dạy thêm bị cấm hoàn toàn nhằm giảm áp lực học tập cho trẻ nhỏ. Thêm vào đó, là quy định giáo viên không được tổ chức dạy thêm ngoài trường cho học sinh của mình. Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm tránh tình trạng giáo viên cắt giảm nội dung giảng dạy trên lớp để buộc học sinh phải đi học thêm. Thông tư cũng yêu cầu các cơ sở dạy thêm phải có đăng ký, phải công khai học phí, tránh tình trạng thu học phí vô tội vạ, gây áp lực lên phụ huynh.
Những quy định mới trong Thông tư 29 đã đề cập đến những nhức nhối mà dư luận xã hội quan tâm trong nhiều năm qua. Nếu thực hiện được các quy định của Thông tư 29 một cách nghiêm túc, hoạt động học thêm, dạy thêm không chính đáng sẽ không còn tồn tại trong các nhà trường. Học sinh có thêm thời gian, không gian để tham gia các hoạt động cải thiện các kỹ năng mềm, các năng khiếu thể thao, mỹ thuật, âm nhạc và phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm, khả năng hòa nhập xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Mối quan hệ thầy – trò, nhà trường – gia đình sẽ trở về đúng quỹ đạo, đúng kỷ cương.
Một số hình thức lách luật, đối phó với Thông tư 29 sẽ có thể xảy ra, song việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước cả ở trung ương và địa phương việc chấp hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm; tăng cường sự giám sát của các bậc phụ huynh và toàn xã hội sẽ lập lại trật tự trong hoạt động này. Những hành vi vi phạm pháp luật trong dạy thêm, học thêm sẽ bị khởi tố theo quy định của pháp luật, những cá nhân, tổ chức vi phạm bị đưa ra xử lý công khai, nghiêm minh, đúng pháp luật, đúng người, đúng tội.
Từ những phân tích trên cho thấy, những luận điệu suy diễn theo hướng tiêu cực của Việt tân về Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có mục đích gì khác ngoài mục đích nhằm gây mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta nói chung, nền giáo dục nước ta nói riêng. Vì vậy, luận điệu của Việt tân về “Thông tư 29, cấm dạy thêm và nguy cơ thất thủ” là một sự cuồng ngôn, cần đấu tranh bác bỏ.
Xuân Nguyên