VIỆT NAM KHÔNG CẦN ĐA NGUYÊN, ĐA ĐẢNG

Vừa qua, trên Báo Tiếng Dân đã đăng thông tin cho rằng: “Việt Nam vẫn tiếp tục giữ nguyên mô hình độc đảng, vẫn đặt lợi ích của đảng lên trên hết, người dân vẫn hoàn toàn không có một quyền hành gì”. Đây là luận điệu hoàn toàn bịa đặt, vu khống nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thúc đẩy đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đã xác định rõ sứ mệnh lịch sử giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người; đại biểu cho lợi ích của toàn thể giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam ghi rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng ta không còn lợi ích nào khác. Mục tiêu của Đảng là xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình; sự lãnh đạo của Đảng đã bảo đảm mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội là tất yếu lịch sử, hoàn toàn phù hợp với ý chí và nguyện vọng của Nhân dân Việt Nam, vì độc lập, tự do cho dân tộc, dân chủ, tiến bộ, đổi mới và phát triển toàn diện con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp xã hội chủ nghĩa.

Thực tiễn những thành tựu vĩ đại đạt được sau hơn 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh, đất nước đã giành được độc lập, thống nhất, đi lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội để nhân dân làm chủ; mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đều xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng thường xuyên chăm lo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tiến hành đổi mới, tinh, gọn tổ chức, biên chế bộ máy Đảng, Nhà nước, xác lập mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, để Nhân dân thực sự là chủ thể của nước nhà, bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức là công bộc của Nhân dân.

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, quy mô nền kinh tế của Việt Nam  tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam nằm trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và 15 nước thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất; có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc, có mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng lên.

Từ thực tế trên chúng ta hoàn toàn khẳng định rằng Việt Nam không cần và không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của nhân dân dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình Đảng Cộng sản Việt Nam, chắc chắn đất nước chúng ta tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tiều Phu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *