CHĂM SÓC NGƯỜI CÓ CÔNG LÀ BỔN PHẬN, NHIỆM VỤ THƯỜNG XUYÊN, LÂU DÀI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC VÀ TOÀN DÂN

Đến hẹn lại lên, mỗi năm cứ gần đến dịp nước ta kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7) thì các thế lực thù địch, phản động lại tăng cường các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta. Thủ đoạn của chúng là tán phát lên không gian mạng nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật, đánh đồng sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân cũng giống như những binh lính Việt Nam cộng hòa – tay sai của thực dân, đế quốc. Cùng với đó, chúng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam chậm phát triển là do gánh nặng của chính sách xã hội, trong đó có nội dung chi cho thương binh, liệt sỹ; đất nước được giải phóng là do công sức của toàn dân tộc chứ không riêng gì thương binh, liệt sỹ. Chúng còn phủ định giá trị của độc lập, thống nhất Tổ quốc; tung nhiều chiêu bài xuyên tạc lịch sử gây hoang mang, dao động trong các thế hệ người Việt, phai nhạt tình cảm với người có công. Đây là những luận điệu hết sức nguy hiểm cần phải đấu tranh ngăn chặn.

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ kính yêu, suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của mình. Cả nước hiện có trên 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi; hằng năm Nhà nước dành hơn 32.000 tỷ đồng từ ngân sách để thực hiện chính sách ưu đãi người có công; Chủ tịch nước dành gần 900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng người có công nhân dịp Tết Nguyên đán và dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7)…; các đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với điều kiện của đất nước; các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” tổ chức rộng khắp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương. Nhiều chương trình lớn như: “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Nhà tình nghĩa”, “Sổ tiết kiệm tình nghĩa”, “Chăm sóc bố, mẹ liệt sỹ già yếu neo đơn, con liệt sỹ mồ côi”, “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”… đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trở thành phong trào tự nguyện, tự tâm trong các tầng lớp nhân dân, thể hiện đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Sự hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân của các Anh hùng liệt sĩ, những thương bệnh binh, người có công với cách mạng sẽ mãi lã những tượng đài lịch sử bất tử trong mỗi người dân Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước chỉ càng bộc lộ rõ bản chất bất nhân của các thế lực thù địch, phản động, đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc. Mỗi chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn.

(NCG)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *