“Chuyển khoản hộ” – Hình thức biến tướng của “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng trên mạng xã hội

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một số trang Fanpage hoặc nhóm kín hoạt động với hình thức “chuyển khoản hộ”, điển hình như Fanpage “Page NHẬN CK HỘ”, “Bei and Vanie 2 – The chuyển khoản hộ”, nhóm kín “CK Hộ Kpop Unnie Qwe”. Tuy mới thành lập nhưng các trang, nhóm này đã thu hút được hàng trăm lượt like, tham gia nhóm, đa phần là lứa tuổi học sinh. Hình thức của “chuyển khoản hộ” chỉ nhận chuyển tiền vào tài khoản, không nhận các cách chuyển tiền khác. Để được nhận “chuyển khoản hộ”, học sinh cần phải cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu, như: (1) Zalo bố mẹ, cap màn hình điện thoại tin nhắn, (2) Số điện thoại, tên đầy đủ, địa chỉ nhà, (3) Chụp CMND/thẻ bảo hiểm y tế/giấy khai sinh/thẻ học sinh kèm hình ảnh, (4) Gửi định vị trên Facebook… Số tiền “chuyển khoản hộ” thường trên dưới một triệu đồng, lãi suất rất cao, nếu quá hạn thì lãi suất tính theo ngày (50.000đ/ngày nếu dưới 01 triệu, 100.000đ/ngày nếu trên 01 triệu). Thông tin về chủ tài khoản quản trị các trang Fanpage hoặc nhóm kín đa phần không thể hiện rõ tính chính danh (ảo). Đây là một hình thức hoạt động “tín dụng đen” mới xuất hiện, lôi kéo, thu hút rất nhiều học sinh tham gia.

Hiện nay, rất nhiều em học sinh đã được gia đình trang bị điện thoại thông minh, việc tham gia mạng xã hội cũng là điều tất yếu phục vụ nhu cầu học tập, trao đổi thông tin, giải trí của các em. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà mạng xã hội đem lại, thì những tác hại và hệ lụy kéo theo cũng không ít, nhất là đối với các em học sinh sử dụng mạng xã hội quá đà hoặc thiếu hiểu biết. Xuất phát từ nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của các em học sinh mà cha mẹ, gia đình chưa hoặc không thể đáp ứng được, đó có thể là cần tiền để mua sắm quần áo, mỹ phẩm, trang sức… hoặc trả nợ bạn bè. Thay vì tâm sự với cha mẹ, ông bà để được hỗ trợ giải quyết, thì các em học sinh vì nhiều lý do khác nhau lại chọn cách “nhờ chuyển khoản hộ” trên mạng xã hội. Học sinh chỉ cần cung cấp đầy đủ các thông tin theo yêu cầu là có thể được hỗ trợ chuyển khoản tiền (cho vay tiền) đến tài khoản theo mong muốn. Khi đến hạn phải trả tiền, nếu không xoay sở được thì tiếp tục “nhờ” người khác “chuyển khoản hộ” đến tài khoản mà mình đã “nhờ” trước đó, cứ thế xoay vòng nhiều lần, đến khi số tiền gốc và lãi tăng cao gấp nhiều lần thì người nhận “chuyển khoản hộ” (thực chất là người cho vay) ráo riết đòi, thậm chí liên hệ, “tấn công” cha mẹ học sinh, lúc đó cha mẹ mới tá hỏa vì những việc làm của con mình mà trước giờ không hề hay biết. Thậm chí, có trường hợp không có tiền để trả nợ, thì những thông tin mà học sinh đã cung cấp như CMND, hình ảnh, thẻ học sinh kèm thông tin nợ nần được tán phát đến trường học, lớp học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của học sinh, từ đó kéo theo những hệ lụy khác nghiêm trọng hơn.

“Chuyển khoản hộ” thực chất là hình thức biến tướng tinh vi của “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, là hành vi vi phạm pháp luật. Nhà trường, phụ huynh học sinh cần quan tâm hướng dẫn, nhắc nhở con em mình nhận biết hành vi biến tướng này để phòng tránh, không tham gia. Đồng thời, báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện các trang, nhóm kín trên mạng xã hội có hoạt động “tín dụng đen” nói chung và hoạt động “chuyển khoản hộ” nói riêng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Như Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.