Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn bảo đảm quyền tự do báo chí của các tổ chức và công dân

Từ sau ngày nước ta giành được độc lập vào tháng 8 năm 1945, đặc biệt là sau khi thống nhất đất nước đến nay, báo chí luôn có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của từng địa phương nói riêng, của cả nước nói chung. Báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Trong quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện, cơ chế, pháp luật để báo chí cách mạng phát triển, trong đó quyền tự do báo chí luôn được bảo đảm. Nhưng cũng như các quốc gia văn minh khác trên thế giới, để giữ gìn kỷ cương và bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo các quy định phù hợp của pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946 của Nhà nước ta đã khẳng định: “Người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện”. Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp năm 1946 về quyền tự do báo chí. Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Luật Báo chí năm 2016 đã dành hẳn Chương II với 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Trong đó, Điều 13 quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: “1. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình. 2. Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. 3. Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Trên thực tế, trong những năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt các quyền tự do báo chí trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước cũng như các thông lệ quốc tế; hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ban, ngành, đoàn thể – chính trị, tổ chức xã hội đều có báo, tạp chí hoặc trang thông tin, báo điện tử ở Việt Nam; báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng với lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là phương tiện để người dân kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật và đóng góp ý kiến phản biện đối với các chính sách, pháp luật của Nhà nước; là công cụ bảo vệ lợi ích xã hội, bảo vệ quyền của người dân. Thế nhưng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước vẫn lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của Việt Nam trong thực hiện chính sách, pháp luật và vu cáo Nhà nước Việt Nam: “Không có tự do ngôn luận, tự do báo chí”; “Việt Nam kiểm soát và bóp nghẹt quyền tự do báo chí, tự do internet”; “bắt bớ nhiều blogger”… Họ cố tình đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hòng hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế… Từ đó, cổ súy các phần tử bất mãn, các đối tượng chống đối lợi dụng quyền tự do báo chí hoạt động gia tăng các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tất nhiên, những kẻ cố tình vu cáo, xuyên tạc việc thực hiện các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… đều bị pháp luật xử lý nghiêm minh.

Nói tóm lại, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện, khuyến khích tự do báo chí vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân, nhưng không bao giờ chấp nhận việc lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để gây mất ổn định, chống lại Tổ quốc và dân tộc, xuyên tạc chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, xâm phạm lợi ích của công dân. Nếu kẻ nào cố tình vi phạm, lợi dụng tự do báo chí để mưu cầu lợi ích xấu xa, đi ngược lại lợi ích của Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.

(NV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.