KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH BÁC BỎ CÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CÔNG TÁC BẢO TỒN VĂN HÓA
Văn hóa là lĩnh vực trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó hành vi tán phát các tài liệu xuyên tạc quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về văn hóa là thủ đoạn rất tinh vi, thâm độc của chúng. Trong thời gian qua, các trang mạng phản động đã liên tục đăng tải nhiều thông tin, bài viết xuyên tạc về công tác bảo tồn văn hóa ở nước ta hiện nay. Điển hình, gần đây trên trang mạng của Đài Á Châu tự do (RFA) đã tán phát bài viết: “Đảng với chính sách “bảo tồn văn hóa” để củng cố quyền lãnh đạo” trong đó có nội dung lợi dụng việc bảo tồn văn hóa để xuyên tạc, vu cáo, bôi đen công tác lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa. Chúng vu cáo rằng “Đảng Cộng sản nỗ lực thực hành bảo tồn văn hóa như một công cụ để củng cố “chủ quyền chính trị của mình”… Có thể thấy, đây là sự là bịa đặt trắng trợn của RFA nhằm kích động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Lịch sử Việt Nam đã chứng minh: Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, đồng thời cũng là chủ thể sáng tạo ra nền văn hóa dân tộc. Năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước càng được nâng cao thì chủ quyền văn hóa của dân tộc, của quảng đại quần chúng càng được khẳng định. Trên cơ sở thực tiễn đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước sẽ ban hành những chủ trương, quyết sách lớn để tạo điều kiện thuận lợi cho văn hóa phát triển theo định hướng tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, cụ thể như bản Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 xác định nền văn hóa mới mà toàn thể nhân dân Việt Nam hướng đến xây dựng là nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, hướng về quảng đại quần chúng Nhân dân, do Nhân dân xây dựng và vì cuộc sống lành mạnh, phong phú của Nhân dân.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là bảo tồn, giữ gìn thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam. Đây là những tinh hoa, giá trị bền vững được hun đúc, vun đắp trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Những giá trị ấy đã tạo nên nét đặc sắc riêng chỉ có ở dân tộc, con người Việt Nam. Hơn nữa, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này nhằm nâng cao sức mạnh nội sinh của dân tộc, tạo động lực để phát triển đất nước bền vững. Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc giúp giữ được tính độc đáo, bảo đảm tính thống nhất, khơi dậy, phát triển tự hào dân tộc tạo nên sự gắn bó, đoàn kết – sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển. Sự kết nối quá khứ và hiện tại chính là cơ sở, nền tảng, hành trang cho tương lai của dân tộc, đất nước. Việc phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trên cơ sở những yêu cầu, chuẩn mực mới của thời đại chính là nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.
Có thể thấy rằng, bảo tồn văn hóa trong bối cảnh hiện nay là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam để phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của Nhân dân; giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc và học tập, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại làm phong phú thêm văn hóa dân tộc; chủ động vừa đón nhận cơ hội phát triển vừa khắc phục những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa văn hóa qua hội nhập, giao lưu nhằm xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Do đó, luận điểm cho rằng “Đảng Cộng sản nỗ lực thực hành bảo tồn văn hóa như một công cụ để củng cố “chủ quyền chính trị của mình” của RFA là bịa đặt, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.
Tóm lại, bảo tồn văn hóa nói riêng, phát triển văn hóa nói chung của Đảng ta là phù hợp với quy luật khách quan, đáp ứng được ý chí, nguyện vọng, lợi ích của Nhân dân, đã khơi dậy sức mạnh tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và chuyển hóa thành sức mạnh vật chất to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, mọi người cần nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tích cực đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc việc bảo tồn văn hóa của Đảng, Nhà nươc ta hiện nay.
(VTH)