CẢNH GIÁC VỚI ÂM MƯU CHỐNG PHÁ VIỆT NAM ĐẰNG SAU CHIÊU BÀI “TỰ DO TÔN GIÁO” CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần chính đáng của người dân. Xét trên phương diện lý luận và thực tiễn, tôn giáo là một thực thể xã hội nên không thể đứng ngoài xã hội, đứng trên pháp luật mà phải chịu sự quản lý của nhà nước.

Ảnh minh họa.

Tại Việt Nam, các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng, bảo vệ và phát triển. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”, “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”. Thực tế hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. Về cơ bản các tín đồ thuộc các tôn giáo chung sống hòa thuận, tuân thủ pháp luật và đạo đức bên cạnh giáo lý của mình, có đóng góp tích cực, thiết thực cho xã hội, cùng chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy vậy, phớt lờ những thành quả mà Việt Nam đạt được trên, những năm gần đây, vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc hòng bôi đen bức tranh tôn giáo ở Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động tư tưởng ly khai, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta. Không chỉ ra sức phủ nhận các thành tựu về tôn giáo, xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam “bóp nghẹt”, “đàn áp tôn giáo”, giam cầm các “tù nhân tôn giáo”, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam còn ngang nhiên đưa ra các yêu cầu, đòi hỏi hết sức phi lý như: Yêu cầu Nhà nước ta “trả tự do ngay lập tức” cho những kẻ đội lốt tôn giáo vi phạm pháp luật Việt Nam, để các tôn giáo được tự do hoạt động, không chịu sự quản lý của Nhà nước, đòi Nhà nước ta công nhận các tổ chức tôn giáo giả hiệu (Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Tin lành Đề-ga,…), kêu gọi Chính phủ Mỹ đưa Việt Nam vào “danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo”…

Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị (năm 1966) nêu rõ: Mọi người có quyền “tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo” nhưng phải chịu giới hạn vì “an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng, hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”. Điều đó có nghĩa là, tại các quốc gia trên thế giới, các loại hình tổ chức tôn giáo được tự do hoạt động nhưng phải trong giới hạn của hiến pháp và pháp luật. Mọi hành vi hoạt động tôn giáo gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm đạo đức và các quyền của người khác,… đều bị cấm và nghiêm trị theo pháp luật. Những tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, giả danh tôn giáo, giáo phái cực đoan đều không được thừa nhận có tư cách và quyền như một tôn giáo. Điều 8 Hiến pháp năm 1947 của Italia quy định: “Các tôn giáo khác Công giáo có quyền lập tổ chức theo điều lệ của mình nhưng không được trái với trật tự pháp lý của nhà nước. Quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo đó và nhà nước do luật pháp quy định trên cơ sở thỏa thuận với những cơ quan đại diện cho các tôn giáo đó”. Điều 26 và Điều 35 của Luật ngày 09/12/1905 của Pháp quy định: “Việc tụ tập để thực hiện các nghi lễ tôn giáo phải báo cáo và chịu sự kiểm soát của cơ quan chính quyền có chức năng gìn giữ trật tự công cộng. Cấm việc hội họp có tính chất chính trị ở nơi chuyên dùng vào việc thờ cúng và thực hành nghi lễ tôn giáo”, “Giáo sĩ nào công khai bằng lời nói hoặc bằng văn bản kêu gọi, khước từ việc thi hành pháp luật của nhà nước sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 2 năm”. Điều 9 Hiến pháp của Đức quy định: Hoạt động của một tổ chức tôn giáo có thể bị giới hạn hay bị cấm nếu như mục đích và hoạt động của tổ chức đó vi phạm các quy định của luật hình sự hay chống lại chế độ xã hội đã được xác định trong hiến pháp. Còn tại Mỹ, các tôn giáo được hưởng nhiều ưu đãi, như: miễn thuế, quyên tiền làm các công việc của tôn giáo… nhưng không được can thiệp vào chính trị, không được kêu gọi giáo dân bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ, không được lợi dụng diễn đàn tôn giáo của mình để đả phá các đảng phái hoặc kêu gọi người dân theo một hướng chính trị nào đó; người hoạt động tôn giáo cũng không được làm chính trị…

Qua đó, có thể thấy, không chỉ riêng Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Tôn giáo có quyền tự do hoạt động nhưng không bao giờ được đứng trên pháp luật, đứng cao hơn lợi ích quốc gia, dân tộc! Dù thực tế rõ ràng như vậy, song có thể thấy tôn giáo, qua bàn tay nhào nặn của các tổ chức thù địch với Việt Nam đã mất đi ý nghĩa linh thiêng của nó mà đã bị biến thành công cụ, phương tiện để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ, chống phá hòng lật đổ Nhà nước Việt Nam. Thủ đoạn này hoàn toàn không có gì mới mẻ song lại cực kỳ nguy hiểm, cần phải bị vạch trần!

M.A.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.