TÔN TRỌNG VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ – QUAN ĐIỂM NHẤT QUÁN CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

Thời gian qua, lợi dụng internet và các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động đã đăng tải nhiều thông tin xuyên tạc rằng: “Việt Nam đang đàn áp tự do báo chí, đi ngược lại với quy định của luật pháp quốc tế về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”…Vậy thực hư vấn đề này là gì? Có phải Việt Nam đang đàn áp tự do báo chí?

Thực tế trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do báo chí. Trên cơ sở nội luật hóa pháp luật quốc tế về quyền tự do báo chí, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định “người dân có quyền tự do báo chí và được pháp luật bảo đảm thực hiện”. Các bản Hiến pháp sau này đều kế thừa và phát triển nội dung của Hiến pháp năm 1946 về quyền tự do báo chí.Điều 25, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” và khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Quy định này cũng được thể chế trong nhiều văn bản pháp luật Việt Nam, như Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017; Luật Báo chí năm 2016…

Có thể thấy, báo chí ở Việt Nam là kênh thông tin, phản biện xã hội rộng rãi, công khai, dân chủ, nhanh và có hiệu quả đến với các cấp chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân. Nhiệm vụ của báo chí không chỉ là kênh thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin mọi mặt hoạt động của xã hội đến với Nhân dân mà báo chí còn là diễn đàn của Nhân dân, để Nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, chính kiến, tham gia phản biện, đề xuất ý kiến về những chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng – an ninh, tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Nhân dân được trực tiếp tham gia quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua việc thảo luận, góp ý và bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình ở mọi phương diện, lĩnh vực trên báo chí.

Ngoài ra, với chủ trương, đường lối nhất quán, nhân văn của Đảng, hệ thống pháp luật chặt chẽ, mang tính khoa học, nền báo chí Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ, chuyên nghiệp và đạt được những thành tựu to lớn trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí của người dân. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến ngày 31/11/2021, Việt Nam có khoảng 41.000 nhân sự đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực báo chí, 816 cơ quan báo chí,  có 72 cơ quan được cấp phép hoạt động phát thanh – truyền hình với với 2 đài quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình… Đó là minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam, phản bác luận điệu vu cáo Việt Nam đàn áp tự do báo chí.

Tự do báo chí là một trong những quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, thực hiện quyền đó ra sao lại phải căn cứ vào quy định của các điều ước quốc tế; truyền thống văn hóa, đạo đức, chế độ xã hội và hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia. Điều này là tất yếu khách quan mà mỗi tổ chức và cá nhân ở bất cứ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam đều phải tuân thủ. Mọi hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức và lợi ích quốc gia, dân tộc là vi phạm pháp luật và nhất thiết phải bị nghiêm trị. Có như vậy, quyền tự do báo chí mới được sử dụng một cách thiết thực, hiệu quả và báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa “ý Đảng, lòng dân”, tạo đồng thuận xã hội, thúc đẩy công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Quốc Sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.