XÂY DỰNG TINH THẦN ĐOÀN KẾT – NHÂN TỐ QUAN TRỌNG HÀNG ĐẦU TRONG CUỘC CÁCH MẠNG TINH GỌN BỘ MÁY
Cuộc cách mạng về cải cách tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của đất nước ta nói chung và của tỉnh Phú Yên nói riêng đã và đang nhận được sự quan tâm to lớn của Nhân dân và đã đạt được những kết quả bước đầu. Hầu hết các cơ quan, đơn vị sau hợp nhất, sát nhập đã từng bước ổn định tổ chức và bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sự đồng thuận, kỳ vọng của cả hệ thống chính trị và Nhân dân chính là cơ sở, nền tảng tinh thần vững chắc để Đảng, Nhà nước ta quyết tâm, quyết liệt thực hiện bằng được mục tiêu, yêu cầu đã đề ra. Trong bài viết với tựa đề “Tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả”, Tổng Bí thư Tô Lâm, nhấn mạnh: “… Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị…”.

Sự cần thiết phải xây dựng khối đoàn kết
Xây dựng đoàn kết nội bộ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công, đặc biệt giai đoạn ngay sau hợp nhất, sát nhập các cơ quan, đơn vị. Bởi “đoàn kết là sức mạnh vô địch” và điều đó đã trở thành chân lý, là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Có đoàn kết ắt sẽ thành công; đoàn kết là sức mạnh, là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công của cách mạng. Đây cũng chính là bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong công tác tổ chức và cán bộ của Đảng, cũng như việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Mỗi khi nội bộ chưa thống nhất về chính trị tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn kết nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn và tạo nên lực cản kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức Đảng và của toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trước hết là đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, trong đó, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là bí quyết thành công của sự tồn tại và phát triển bền vững của Đảng và của dân tộc Việt Nam ta. Đoàn kết tạo ra sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản, nhằm đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống và là chìa khóa vàng đem lại thành công.
Một số giải pháp xây dựng tinh thần đoàn kết theo tư tưởng Hồ chí Minh
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đoàn kết là lẽ sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc và là đức tính cơ bản của người cách mạng. Do đó, Ngưởi yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Người căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: học tư tưởng, đạo đức đoàn kết Hồ Chí Minh là “Gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta”.
Hiện nay, một số cơ quan đơn vị sau hợp nhất, sát nhập có nhiều đồng chí, đồng đội từ một hoặc nhiều đơn vị về chung một đơn vị; bước đầu do môi trường, điều kiện công tác khác nhau đã làm nảy sinh một số vấn đề nhạy cảm ảnh hưởng đến việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị phải kịp thời phát hiện và tập trung cao độ để giaỉ quyết những vấn đề phát sinh và xây dựng, giữ vững sự đoàn kết. Kịp thời phát hiện và đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ.
Trong tình hình như vậy, cần quán triệt vận dụng triệt để các nguyên tắc trong xây dựng khối đại đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là 4 nguyên tắc:
Một là, phải thấu suốt quan điểm đại đoàn kết là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Hai là, lấy mục tiêu chung của sự nghiệp cách mạng làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần, giai cấp, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai.
Ba là, bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân- tập thể- toàn xã hội; thực hiện dân chủ gắn với giữ gìn kỷ cương, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng bồi dưỡng, nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc, tinh thần tự lực tự cường xây dựng đất nước; xem đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.
Bốn là, đại đoàn kết là sự nghiệp của cả dân tộc, của cả hệ thống chính trị mà hạt nhân lãnh đạo là các tổ chức đảng được thực hiện bằng nhiều biện pháp, hình thức, trong đó các chủ trương của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, từng cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tập thể cấp ủy, lãnh đạo phải luôn gương mẫu, đi đầu để xây dựng, tạo sự đồng thuận trên dưới một lòng, từ tập thể cấp ủy đến từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Muốn vậy, cấp ủy, lãnh đạo cần sáng suốt bảo đảm sự công bằng và bình đẳng cho các thành viên trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi chính trị, quyền lợi kinh tế, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của họ; kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của đất nước.
Thứ hai, xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở phê bình và tự phê bình, thẳng thắn, trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết một chiều, không đoàn kết hình thức. Từ cấp ủy, lãnh đạo đến các tổ chức đoàn thể đều phải tạo cơ chế, cơ hội để mọi cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần đấu tranh, góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp vì mục tiêu chung, vì sự tiến bộ của cá nhân và tập thể. Sự trao đổi thẳng thắn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau giúp nhau khắc phục khuyết điểm, tự vươn lên để hoàn thiện bản thân.
Thứ ba, khối đại đoàn kết muốn bền chặt, lâu dài, từng đơn vị, địa phương cần có môi trường sống và làm việc với tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, có sự bao dung, rộng lượng, luôn tạo cơ hội cho mọi người có điều kiện phát triển.
Muốn xây dựng đoàn kết nội bộ thật sự phải kiên quyết đấu tranh loại trừ những người cơ hội, kích động, xúi dục làm chuyện sai trái gây mất đoàn kết nội bộ. Trong tư tưởng mỗi cá nhân phải nhấn mạnh được mục đích chung và lợi ích chung của tất cả để cùng hướng mọi người về một mối, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “Xin ai nên nhớ chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”./.
SNCG