LẠI TÁI DIỄN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VIỆT NAM KHÔNG CÓ TỰ DO INTERNET
Hiện nay, trên không gian mạng, nhiều cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí với Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tung ra nhiều thông tin đánh giá phiến diện, bóp méo thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền tự do ngôn luận, đặc biệt xếp Việt Nam nằm trong danh sách các quốc gia không có tự do Internet. Đây là thủ đoạn hết sức thâm độc nhằm bôi nhọ hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thực tế trong những năm qua, mạng xã hội đã trở nên phổ biến vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam đã nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới. Các phương tiện truyền thông trên Internet như báo điện tử, website, blog, thư điện tử, mạng xã hội… tại Việt Nam hiện nay đã có sự phát triển vượt bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển trên các lĩnh vực, thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và thế giới. Đặc biệt với sức lan tỏa nhanh mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin không thể thiếu trong đời sống xã hội hiện nay, nhất là giới trẻ.
Có thể thấy, hiện nay toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông, Internet ở Việt Nam đều do Nhà nước, trực tiếp là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư xây dựng để phục vụ quốc kế dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Mọi người dân Việt Nam đều có thể tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân thông qua Internet, nhất là qua các nền tảng mạng xã hội. Từ con số 0 trong những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã trở thành một trong những nước triển khai mạng 2G từ rất sớm và tiếp tục phát triển lên 3G và 4G với hạ tầng viễn thông, Internet hiện đại phủ rộng khắp lãnh thổ từ thành thị đến nông thôn, miền núi, hải đảo. Internet được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống, từ giáo dục, y tế, giao thông… tới cả xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Không dừng lại ở đó, ngày 15/10/2024, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyên bố chính thức khai trương mạng 5G cùng với hơn 6.500 trạm BTS, phủ sóng 100% “thủ phủ” của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, trường đại học. Với việc hoàn thành nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào phủ sóng diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm đã đưa Việt Nam song hành với thế giới trong ứng dụng công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nằm trong top 5 nước có thể sản xuất thiết bị 5G.
Cùng với sự phát triển mạng xã hội và Internet thì việc kiểm soát, xử lý thông tin xấu độc trên không gian mạng cũng vô cùng quan trọng. Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia, việc thực hiện quyền tự do Internet luôn được đặt trong khung khổ pháp luật. Như Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã ban hành Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) về bảo vệ sự riêng tư toàn cầu nhằm hạn chế hoạt động của Internet, mạng xã hội vi phạm quyền riêng tư của công dân của các nước thành viên. Theo đó, các dịch vụ truyền thông xã hội và công cụ tìm kiếm lớn như Meta, X, Instagram, TikTok, Google… phải gỡ bỏ nội dung vi phạm quy định của Đạo luật hoặc bị chính phủ các quốc gia châu Âu coi là bất hợp pháp. Hay ở Mỹ, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật nhằm xử lý, ngăn chặn việc lợi dụng Internet, mạng xã hội để khủng bố, kích động bạo lực, đăng tải tin giả….
Từ những kết quả trên cho thấy, sự phát triển Internet ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Việt Nam đã trở thành một nước mạnh về viễn thông – Internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập Internet rất cao. Những luận điệu cho rằng Việt Nam không có tự do Internet là phủ nhận thực tế, mang tính áp đặt chủ quan, nhằm chống phá Nhà nước, đi ngược lại lợi ích của Nhân dân Việt Nam.
(Quốc Sách)