Tiếp công dân là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và đã được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật. Luật Tiếp công dân quy định, người đứng đầu cơ quan (cấp bộ và tương đương…) có trách nhiệm tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong tháng; chủ tịch UBND cấp huyện ít nhất 2 ngày trong tháng và chủ tịch UBND cấp xã ít nhất 1 ngày trong tuần. Mặc dù vậy, theo báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội, giám sát chuyên đề thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016-2021: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 38%. Tỷ lệ tiếp dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã lần lượt là 56%, 94% và 49%…

Như vậy, tỷ lệ tiếp dân của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp không đạt so với các quy định, điều này phần nào cho thấy trách nhiệm của cán bộ, người đứng đầu chưa cao, còn biểu hiện qua loa, hình thức trong việc tiếp dân. Bên cạnh đó, cấp cơ sở là cấp gần dân, sát dân nhất, nhưng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện chưa nghiêm túc, hiệu quả chưa cao. Hệ quả là những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong nhân dân không được giải quyết kịp thời nên dẫn đến các vụ việc khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp ngày càng tăng. Mặt khác, người đứng đầu cơ quan, địa phương vì vướng bận công tác quản lý, điều hành nên sao nhãng việc tiếp dân. Tuy nhiên, khi xem xét, giải quyết các vụ việc lại chỉ theo sự tham mưu của cấp dưới mà không rà soát, kiểm tra sẽ dẫn đến vụ việc không được giải quyết ổn thỏa, khiếu kiện kéo dài.

Tiếp công dân là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ nhất sự tôn trọng của các cơ quan nhà nước, nhất là người đứng đầu các cấp đối với quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành. Người đứng đầu cơ quan, địa phương tiếp dân không đơn thuần chỉ giải quyết đơn thư, khiếu nại. Tiếp dân là lắng nghe để hiểu được điều dân muốn nói và nói cho dân hiểu, từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân về những chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực của ngành mình, địa phương mình phụ trách. Ở cấp cơ sở, việc tiếp dân của các đồng chí lãnh đạo thể hiện tinh thần gần dân, sát dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân. 

Đối với cấp huyện và cấp tỉnh, khi việc tiếp công dân được tiến hành thường xuyên, đi vào nền nếp sẽ góp phần giúp người đứng đầu địa phương bám nắm sâu sát cơ sở, thấu tỏ khó khăn của cơ sở và từ đó có chỉ đạo, điều hành sát với thực tiễn cơ sở. Thực hành tốt công tác tiếp công dân cũng là biện pháp quan trọng giúp các địa phương giải quyết kịp thời những mặt còn hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho địa phương mình. Còn ở các bộ, ngành, hoạt động tiếp công dân là kênh thông tin hữu hiệu để kịp thời phát hiện những bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành, từ đó tham mưu, đề xuất và điều chỉnh đối với lĩnh vực thuộc bộ, ngành mình phụ trách. 

Để phát huy hết ý nghĩa, giá trị và hiệu quả từ công tác tiếp dân thì phần việc quan trọng này nhất thiết không thể làm qua loa, hình thức. Người đứng đầu cơ quan, địa phương phải thật sự nêu cao trách nhiệm, trên tinh thần cầu thị lắng nghe, chuẩn bị kỹ lưỡng, không đùn đẩy, né tránh… Điều này vừa thể hiện tinh thần trọng dân, gần dân; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước ở các cấp. 

MINH MẠNH/QĐND