NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG TÁN PHÁT THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thông tin xấu độc là những thông tin có nội dung sai trái, bịa đặt, vu cáo, xuyên tạc sự thật, thật – giả lẫn lộn, tác động xấu đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là những thông tin xuyên tạc, bôi đen lịch sử, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do đó, việc nhận diện và đấu tranh với các hoạt động tán phát thông tin xấu độc trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị là hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và trật tự an toàn xã hội.

Các thủ đoạn tán phát thông tin xấu độc trên không gian mạng

Các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để phát tán thông tin xấu độc chống phá nước ta, nổi lên một số phương thức chủ yếu sau:

– Triệt để khai thác công nghệ thông tin, nhất là các tiện ích do mạng xã hội mang lại để làm phương tiện hoạt động chống phá. Chúng đã tạo lập hàng nghìn trang web, blog, tài khoản mạng xã hội để tuyên truyền, tán phát thông tin xấu độc. Nhiều trang được đầu tư lớn về tài chính, có hệ thống máy chủ, đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia về bảo mật riêng. Bên cạnh việc đăng thông tin, các thế lực xấu còn triệt để sử dụng tính năng “Comment”, “Like”, “Share” để tạo dư luận trái chiều, gây lầm tưởng về uy tín, ảnh hưởng của các đối tượng và qua đó thu thập thông tin, tiếp tục tuyên truyền, kích động hoạt động chống phá. Đồng thời, gia tăng liên kết, phối hợp đưa thông tin, bài viết, bình luận nhằm khoét sâu một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết hoặc liên kết đến nhiều trang khác nhằm làm tăng lượng thông tin tán phát…

– Sử dụng đa dạng các loại hình, nội dung thông tin tuyên truyền phá hoại. Với thủ đoạn pha trộn các thông tin thật với thông tin giả để gia tăng hiệu quả tác động đến tâm lý người đọc. Về hình thức, các bài viết sử dụng thông tin có thật thu được từ nguồn công khai, thậm chí trong nội bộ để nêu vấn đề, sự việc, thời gian cụ thể, trích dẫn tên tuổi, thông tin về những người liên quan khá rõ ràng, sau đó lồng ghép xen kẽ với những thông tin giả, xuyên tạc, bịa đặt hoặc bị cắt xén, sửa chữa kèm theo các hình ảnh làm “tài liệu chứng minh” làm người đọc khó phân biệt được thật – giả, dẫn đến hoang mang, mất niềm tin. Ngoài ra, chúng còn phát động các chiến dịch vận động gửi kiến nghị, lấy ý kiến Nhân dân… để gây thanh thế, tạo sức ép với chính quyền.

– Sáng tác và tán phát nhiều tài liệu có nội dung xấu độc dưới dạng ấn phẩm, văn học nghệ thuật. Các thế lực thù địch, phản động tạo những nơi lưu trữ tán phát tài liệu xấu độc công khai trên không gian mạng (Học liệu mở) để mọi người tự cập nhật, đăng tải, nghiên cứu. Thậm chí chúng còn xây dựng nhà xuất bản tự do… Trong đó, các đối tượng phản động, chống đối đăng tải hàng nghìn ấn phẩm có nội dung xấu độc chống phá Đảng và Nhà nước ta, nổi lên một số cuốn sách như: “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù” của Phạm Đoan Trang; Hồi ký “Những mãnh đời sau song sắt” của Phạm Thanh Nghiên…

– Lựa chọn sơ hở trong quản lý nhà nước trong việc cấp tên miền quốc gia (sử dụng thông tin giả mạo); việc kiểm duyệt nội dung đăng tải, chia sẻ; trong quản lý báo chí và trang thông tin điện tử chính thống để xây dựng các website, blog tên miền quốc gia đăng tải thông tin xấu độc, chống Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

– Lựa chọn thời điểm tập trung tuyên truyền chống phá. Mỗi khi nước ta diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng, các thế lực thù địch, phản động sẽ huy động lực lượng tổ chức các chiến dịch tuyên truyền chống phá trên không gian mạng. Đặc biệt, thủ đoạn của chúng là tập trung công kích một hoặc một vài đồng chí lãnh đạo cấp cao nhằm hướng lái dư luận đến đánh giá sai lệch rằng đây là “đấu đá nội bộ” thông qua sử dụng cùng lúc nhiều website, blog, đồng thời liên kết, phối hợp trong – ngoài đồng loạt đưa tin, bài viết, bình luận tập trung khoét sâu một chủ đề hoặc trích dẫn, đăng lại bài viết hay tạo liên kết đến nhiều trang khác.

Giải pháp đấu tranh với các hoạt động tán phát thông tin xấu độc

Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với các hoạt động tán phát thông tin xấu độc trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:

– Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân về những thông tin xấu độc trên mạng xã hội; khuyến khích xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức, doanh nghiệp để dần hình thành “miễn dịch tâm lý” đối với tin đồn trong Nhân dân bằng một nền tảng tri thức đủ sức đề kháng với mọi loại tin đồn độc hại, thất thiệt, sai sự thật.

 – Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong phòng, chống thông tin xấu độc trên mạng xã hội; các cơ quan trong hệ thống chính trị cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ trong việc quản lý Internet, mạng xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm khắc các hành vi sai phạm trên không gian mạng.

 – Thứ ba, các cơ quan báo chí cần cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện, kịp thời cho người dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền pháp luật, cảnh báo các hành vi vi phạm pháp luật; chỉ rõ những thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, tránh những hành vi vi phạm cũng như nhận diện được các thủ đoạn, nội dung thông tin giả mạo, biết tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, “miễn dịch” với những thông tin giả mạo làm nhiễu loạn xã hội.

– Thứ tư, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, Internet; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng; quan tâm đầu tư trang thiết bị, bố trí nhân lực để nâng cao năng lực thực thi công vụ cho các cơ quan chuyên trách.

– Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác nghiệp vụ trong đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền chống phá nước ta. Tăng cường công tác nắm tình hình, giám sát thường xuyên, liên tục thông tin trên mạng xã hội để kịp thời thu thập, phân tích, đánh giá và nhận định các thông tin liên quan; kết hợp nhuần nhuyễn nắm tình hình công khai trên mạng xã hội với các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng để phát hiện sớm các hoạt động xuyên tạc, kích động chống phá để xử lý kịp thời, hiệu quả…

(NTHM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *