Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình ở Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Người mở đầu bằng câu nói: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Trong bài viết “Sức sống mãnh liệt và trường tồn của Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người” đăng trên Tạp chí pháp luật về Quyền con người, số Chuyên đề 33 – 2023, PGS.TS. Chu Hồng Thanh nêu cảm nhận: “Với những lời hào sảng ấy, có thể khẳng định rằng, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam chính là Tuyên ngôn quyền con người Việt Nam, là âm thanh đồng điệu trong dàn hợp xướng vĩnh cửu của nhân loại vì các quyền và tự do cơ bản của con người”.

Ngày 3/9/1945 – một ngày sau khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết và vấn đề thứ 6 chính là tôn giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định chủ trương: “…Tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết”. Từ tư tưởng và chỉ đạo của Người, những văn kiện quan trọng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau này đều thể hiện tư tưởng tự do tín ngưỡng.

Biểu hiện là ngày 9/11/1946, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua. Tại Điều thứ 10 Chương 2: Nghĩa vụ và quyền lợi công dân, Hiến pháp 1946 ghi nhận: “Công dân Việt Nam có quyền Tự do tín ngưỡng”.

Hơn 2 năm sau sự kiện trên ở Việt Nam, ngày 10/12/1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc mới thông qua Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền “ghi nhận một số quyền là những vấn đề mang tính thách thức đối với các hệ thống xã hội vào thời điểm Tuyên ngôn ra đời, như quyền không bị kỳ thị, phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính; quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; quyền được tham gia quản lý đất nước…”[1].

Cụ thể, Điều 18: “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng”.

Điều 18 cùng với Lời mở đầu và 29 điều khoản khác liệt kê quyền con người và các tự do cơ bản trong Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền đã tạo nền tảng quan trọng cho sự ra đời của các điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người sau này như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD, năm 1965); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR, năm 1966); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR, năm 1966).

Dẫn từ Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 đến Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948 để thấy rằng, dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn hiểu rất rõ dù nhân quyền là những quyền tự nhiên vốn có của con người, “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”[2] nhưng chỉ khi có được độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia thì mới có nền tảng, có điều kiện quan trọng để thực hiện các quyền con người đó. Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, người dân từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của một quốc gia độc lập thì các quyền công dân của người Việt Nam cũng mới lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 1946.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Xuân trong cuốn sách “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” bình luận: “Với việc tuyên bố tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, Hiến pháp năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chính sách đối với tôn giáo trong phạm vi cả nước”.

Tư tưởng tôn trọng quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng nói riêng được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ nhận thức rõ và hiến định trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, sớm hơn 2 năm khi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc vượt qua được những khác biệt về văn hóa, thể chế chính trị để đi tới thống nhất thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vào tháng 12/1948 và sớm hơn 20 năm khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 16/12/1966. Đây là hai công ước quốc tế mà trong đó quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được tái khẳng định và cụ thể hóa.

Từ sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam ghi nhận tại các văn bản có giá trị pháp lý cao nhất.

Tại Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng diễn ra từ ngày 11 – 19/2/1951 đã thông qua Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: “Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người dân”.

Ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 234/SL, tại Điều 1 ghi nhận: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng của nhân dân. Không ai được xâm phạm đến quyền tự do ấy. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự do theo một tôn giáo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Sắc lệnh 234/SL là văn bản quy phạm pháp luật riêng cho tôn giáo sớm nhất ở Việt Nam.

Hiến pháp năm 1959, tại Điều 26 tiếp tục ghi nhận: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”.

Hiến pháp 1980, tại Điều 68 giữ nguyên nội dung Điều 26 Hiến pháp 1959, đồng thời bổ sung thêm nội dung: “không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”.

Ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo. Tại Nghị quyết này, bên cạnh những nhận thức mới và ứng xử mới đối với tôn giáo, Đảng ta vẫn kiên định chủ trương: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật”.

Việt Nam theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ nên sau khi Đảng ban hành chủ trương, đường lối, thì Nhà nước xây dựng các chính sách, các quy định pháp luật cụ thể để thể chế hóa, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Theo đó, “Hiến pháp 2013 được ban hành với ba điểm rất mới về tín ngưỡng, tôn giáo: (1) Tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung quan trọng của chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; (2) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người (không chỉ là quyền của công dân như trước); (3) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (không chỉ là bảo đảm như trước). Đó chính là nền tảng – hiến định của việc hoàn chỉnh quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”[3].

Tiếp tục cụ thể hóa quan điểm, chủ trương công tác tôn giáo của Đảng thời kỳ đổi mới, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 và căn cứ tình hình trong nước, quốc tế, ngày 18/11/2016, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo – văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Theo quy định của Luật này, mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, và  “quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được mở rộng đến tất cả mọi người, không chỉ là người Việt Nam mà cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, không chỉ đối với cá nhân mà đối với các tổ chức tôn giáo”[4].

Theo PGS.TS. Vũ Công Giao và ThS. Nguyễn Thị Diệu Thúy trong bài viết “Tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong pháp luật Việt Nam” đăng trên Tạp chí Nhân quyền Việt Nam, số 4 – 2022: “quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong những thập kỷ gần đây cũng chính là quá trình làm hài hòa pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế về nhân quyền có liên quan mà Việt Nam là thành viên”./.

—————————————-

Tài liệu tham khảo:

[1] TS. Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve, Thụy Sĩ, Bảy mươi lăm năm Tuyên ngôn thế giới về quyền con người: Thành tựu và thách thứchttps://www.tapchicongsan. org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/843902/bay-muoi-lam-nam-tuyen-ngon-the-gioi-ve-quyen-con-nguoi-%C2%A0thanh-tuu-va-thach-thuc.aspx#

[2] Trích Tuyên ngôn độc lập, https://vietnamnet.vn/toan-van-ban-tuyen-ngon-doc-lap-771240.html

[3] Nguyễn Thanh Xuân (2023), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, tr.377

[4] Nguyễn Thanh Xuân (2023), Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, tr.383

————————————–

TS. Lý Thị Thu, ThS. Hoàng Thị Thúy/ĐCSVN

Trường Cán bộ quản lý giao thông vận tải