Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng

Theo từ điển Tiếng Việt: “Kỷ luật là những quy định có tính chất bắt buộc đối với hoạt động của các thành viên trong một tổ chức để bảo đảm tính chặt chẽ của tổ chức đó”. Từ khái niệm trên, có thể hiểu rằng, mọi tổ chức muốn tồn tại, hoạt động và phát triển đều phải đặt ra các quy chế, quy định bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức mình; đồng thời, mọi thành viên trong tổ chức phải phục tùng và chấp hành quy định đó.

Với ý nghĩa đó, kỷ luật của Đảng là toàn bộ những quy định tại các văn kiện của Đảng, như Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định… Những quy định này bắt buộc mọi tổ chức đảng và đảng viên phải tuyệt đối chấp hành, đó là yêu cầu tiên quyết nhằm bảo đảm sự thống nhất trong toàn Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Bởi vậy, kỷ luật của Đảng không chỉ đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, mà còn bảo đảm cho Đảng ta tồn tại, hoạt động và phát triển. Song song đó, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng là công việc thường xuyên, liên tục để bảo đảm mọi tổ chức đảng và đảng viên, không một ai, không một tổ chức đảng nào được phép vượt ra khỏi lằn ranh kỷ luật của Đảng.

Tuyệt đối chấp hành kỷ luật của Đảng vô điều kiện là yêu cầu bắt buộc, là nguyên tắc “bất khả xâm phạm” mà không một đảng viên và không một tổ chức đảng nào được phép có đặc quyền, đặc lợi; không ai được phép đặt mình cao hơn kỷ luật của Đảng và không ai được phép coi là ngoại lệ trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng.

Thực tế đã chứng minh, trong lịch sử của Đảng ta từ khi thành lập đến nay, khi có bất cứ tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật đều phải bị xử lý. Dù đó là tổ chức đảng cấp trên hay cấp dưới, là đảng viên giữ quyền cao chức trọng hay không, tuổi đảng nhiều hay ít đều không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Thậm chí, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Đảng quy định đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải nêu gương, làm gương và càng phải xử lý nghiêm khắc, không nhẹ trên, nặng dưới; không khắt khe hay buông lỏng trong thi hành kỷ luật.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ: “Kỷ luật của Đảng ta là kỷ luật sắt, nghĩa là nghiêm túc và tự giác…”[2]. Quán triệt sâu sắc và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước, 94 năm qua, Đảng ta luôn thực hành kỷ luật đảng một cách nghiêm minh, tự giác; đồng thời không ngừng bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định đối với công tác kỷ luật của Đảng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế nhằm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; có chế tài để phòng ngừa, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm kỷ luật đảng[3].

Cụ thể hóa chủ trương trên, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6-7-2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định này thay thế Quy định số 07-QÐi/TW, ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QÐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Tại Khoản 1, Điều 2 của Quy định số 69-QĐ/TW một lần nữa khẳng định rất rõ: “Tất cả tổ chức đảng và đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đều phải xem xét thi hành kỷ luật công minh, chính xác, kịp thời”.

Những năm gần đây, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được tiến hành tăng cường đẩy mạnh. Kỷ luật đảng được thực thi trước để “mở đường” cho kỷ luật chính quyền và xử lý theo quy định của pháp luật. Điều đáng nói, Quy định số 69-QĐ/TW và những quy định trước đây của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên xác định rõ, dù là “cán bộ, đảng viên đã chuyển công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm ở cơ quan, đơn vị cũ đến mức phải kỷ luật thì vẫn xem xét kỷ luật theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước”. Như vậy, “kim bài miễn tử”, hay câu khẩu quyết “hạ cánh an toàn”, lâu nay vốn dĩ không có hiệu lực với những cán bộ, đảng viên để xảy ra sai phạm, khuyết điểm khi còn đương chức. Có chăng, những sai phạm, khuyết điểm đó đã tới mức phải thi hành kỷ luật hay chưa mà thôi!

Minh chứng rõ nhất là thời gian qua, hàng loạt cán bộ cao cấp, từ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm, giữ vị trí chủ chốt trong Đảng, Nhà nước cho đến bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, rồi bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh, dù đang đương nhiệm hay đã nghỉ hưu vẫn bị xử lý nghiêm minh khi phát hiện vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước. Trong nền dân chủ của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và trong toàn Đảng ta “mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng”. Bởi vậy, kỷ luật đảng chỉ là bước đầu, “mở đường” cho các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, truy tố, xét xử với những cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật.

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chỉ tính riêng trong năm 2023: “Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 606 tổ chức đảng, 24.162 đảng viên (tăng 12% về số đảng viên bị kỷ luật so với năm 2022). Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến cuối năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương đã thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý (2/3 đảng viên bị xử lý kỷ luật là do sai phạm từ những nhiệm kỳ trước đó), trong đó có 22 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng…[4].

Và từ đầu năm 2024 đến nay, dư luận trong quần chúng nhân dân tiếp tục bày tỏ hoan nghênh, “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” trước sự nghiêm minh của kỷ luật đảng khi Ban Chấp hành Trung ương thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ lãnh đạo cấp cao ở Trung ương và địa phương.

Kỷ luật cán bộ – khâu tất yếu trong thực hành kỷ luật của Đảng

Những năm qua, với độ mở của nền kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, trước các tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sa vào chủ nghĩa cá nhân và vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước. Cùng với đó, một số cán bộ, đảng viên giữ vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau để xảy ra sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, buộc phải xử lý kỷ luật.

Những con số thống kê trong bài viết đã phản ánh rất rõ nét về tính nghiêm minh của kỷ luật đảng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng đã được triển khai thường xuyên, liên tục. Đặc biệt là, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không giấu giếm khuyết điểm, sau mỗi phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các thông tin về vụ việc tham nhũng, tiêu cực, về tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật Đảng đều được cơ quan chức năng công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đảng công khai khuyết điểm, minh bạch về công tác kỷ luật cán bộ trước toàn Đảng và toàn dân là điều rất đáng hoan nghênh, nhưng đây cũng là “miếng mồi ngon” để các thế lực thù địch hướng vào. Thông qua những vụ việc kỷ luật cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, bằng những lập luận vô căn cứ, xuyên tạc, chúng quy chụp và hướng dư luận vào luận điệu rằng, “cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam không có năng lực lãnh đạo, quản lý”; hay “kỷ luật cán bộ thực chất là cuộc thanh trừng, đấu đá nội bộ, hạ bệ lẫn nhau”…

Dĩ nhiên, đó chỉ là những tiếng nói lạc lõng, vô căn cứ. Trước hết cần khẳng định rằng, tăng cường kỷ luật trong Đảng là việc làm thường xuyên, liên tục, nhưng tuyệt nhiên không phải là thi hành kỷ luật thật nhiều, thật nặng mà mục đích quan trọng nhất là nâng cao tinh thần nghiêm túc và tự giác chấp hành kỷ luật của các tổ chức đảng và đảng viên. Nhưng nếu tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời; qua đó giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh đối với các tổ chức đảng và đảng viên khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Sửa chữa sai lầm, cố nhiên dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa, dạy bảo. Song không phải không dùng xử phạt. Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ, nếu nhất loạt không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, việc hoàn toàn không xử phạt là không đúng, mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng[5].

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ và có nhiều đổi mới, nhất là việc khuyến khích cán bộ, đảng viên từ chức, kịp thời miễn nhiệm, thay thế cán bộ bị xử lý kỷ luật… Qua đó, đã từng bước cụ thể hóa chủ trương “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trong công tác cán bộ theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Thời gian qua, theo dõi những vụ việc, vụ án lớn có “bàn tay nhúng chàm” của một số cán bộ, từ cấp cao đến cấp cơ sở, tuyệt đại đa số khi bị xét xử, tuyên án, họ đều tâm phục, khẩu phục trước bản án, bày tỏ sự hối hận và thành khẩn nhận lỗi, xin lỗi tổ chức đảng, xin lỗi cơ quan, đơn vị, đồng chí, đồng nghiệp, xin lỗi quần chúng nhân dân vì đã làm ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng… Ngoài ra, chỉ tính riêng trong năm 2023, ngoài những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đến mức phải xử lý nghiêm khắc, nghiêm minh, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã xem xét, quyết định: “cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 9 cán bộ diện Trung ương quản lý. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác khác hơn 360 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 92 cán bộ thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy quản lý[6]. Những thông tin trên là minh chứng khẳng định sự nghiêm minh nhưng cũng hết sức nhân văn của kỷ luật đảng, khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”…

Thêm một lần nữa khẳng định rằng, kỷ luật cán bộ là bước vận hành, thực thi kỷ luật đảng để bảo đảm tính nghiêm minh, “bình đẳng” của mọi đảng viên trước kỷ luật đảng, chứ không phải là sự “thanh trừng”, “đấu đá” “hạ bệ” lẫn nhau trong nội bộ. Mục đích cao nhất của việc duy trì nghiêm kỷ luật đảng là để cảnh báo, kịp thời ngăn chặn cán bộ, đảng viên không ai được vượt ra khỏi lằn ranh kỷ luật của Đảng. Việc thi hành kỷ luật đảng giúp tập thể, cá nhân khắc phục, sửa chữa dứt điểm những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra; đồng thời cũng chính là đang cảnh báo, răn đe cả tập thể và từng cá nhân đảng viên trong tập thể ấy, để không ai đi vào vết xe đổ của đồng chí, đồng nghiệp của mình. Kỷ luật Đảng nghiêm minh góp phần giúp các tổ chức đảng “xốc” lại đội hình, chỉnh đốn đội ngũ; qua đó lập lại trật tự, kỷ cương trong Đảng. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Phải kỷ luật chính đồng chí mình là điều không ai muốn, nhưng kỷ luật một vài người là để vừa giữ nghiêm kỷ cương phép nước, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, giáo dục, răn đe người khác tránh xa vết xe đổ của đồng chí mình”.

(Còn nữa)

TRẦN MINH MẠNH/QĐND

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.17.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.17.

[3] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.1.

[4] Thông báo Phiên họp thứ 25, ngày 1-2-2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t5, tr.323-324.

[6] Thông báo Phiên họp thứ 25, ngày 1-2-2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.