Nâng cao hiệu quả ngăn chặn thông tin bịa đặt, xấu độc trên mạng internet
Ở vào thời đại của cuộc Cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số mà mỗi khi vào Internet nói chung, các mạng xã hội nói riêng đều thấy ngay, bên cạnh những thông tin tích cực… vẫn có quá nhiều thông tin xấu độc, giả mạo (fake news), thậm chí nhảm nhí, thô tục mà người đưa tin có động cơ, ý đồ, toan tính riêng.
Một thực tế, ở vào thời đại của cuộc Cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số mà mỗi khi vào Internet nói chung, các mạng xã hội nói riêng, nhất là trên Facebook, YouTube, WhatsApp, Skype, Qzone, WeChat, Instagram, Twitter, Flickr, Google Plus, Go.vn, Baidu Tieba… đều thấy ngay, bên cạnh những thông tin tích cực, hữu ích về chính trị, an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa – xã hội… vẫn có quá nhiều thông tin xấu độc, giả mạo (fake news), thậm chí nhảm nhí, thô tục mà người đưa tin có động cơ, ý đồ, toan tính riêng.
Nhiều thông tin nặng màu sắc chính trị, lợi ích kinh tế, xúc phạm danh dự cá nhân. Họ triệt để lợi dụng thế mạnh vượt trội trên nền tảng các mạng xã hội và Internet so với các phương tiện truyền thông truyền thống, như: Tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, lại cập nhật liên tục, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu giao tiếp, tìm hiểu, phản biện xã hội…
Đặc biệt, nội dung thông tin phong phú, đa chiều, có tính thời sự, hấp dẫn cao, lại rất tiện lợi trong khai thác, sử dụng và cơ bản xóa được giới hạn về địa lý, thời gian, thành phần xã hội…
Đồng thời, họ tìm cách gắn với những vụ việc, sự kiện “nóng”, nhạy cảm, gây nhiều tranh cãi, hiếu kỳ mạnh trong cộng đồng để tung tin thất thiệt, nhằm làm “méo mó” các đảng phái, thể chế đối địch; bôi nhọ những danh nhân, người nổi tiếng, anh hùng dân tộc, các chính trị gia bằng những ngôn từ, lời lẽ miệt thị, bất chấp đạo lý, không hề hổ thẹn… Đây thực sự là vấn nạn, hiểm họa toàn cầu…
Đích đến là nhằm làm sụp đổ thần tượng, thể chế; hạ bệ các chính trị gia, người nổi tiếng, trong đó có nhiều người đứng đầu tổ chức, đảng phái, kể cả nguyên thủ quốc gia. Hệ lụy là gây tâm lý bức xúc, kích động hận thù, lôi kéo hình thành “đám đông” có phản ứng tiêu cực, chống đối cực đoan do thiếu thông tin hoặc bị hùa theo cảm tính. Mưu đồ gây rối loạn xã hội, mất an ninh quốc gia, không chỉ xảy ra ở một nước mà cả khu vực, thậm chí trên phạm vi toàn cầu.
Để ngăn chặn những thách thức hiện hữu, nguy cơ tiềm ẩn đang nhiễu loạn trên không gian mạng, hầu hết các quốc gia trên thế giới phải tư duy, định hình lại mô hình và nâng cao năng lực quản trị; ráo riết thiết lập hàng rào bảo vệ bằng việc đưa ra các giải pháp mạnh để phòng ngừa, đấu tranh. Đặc biệt, quan tâm hoàn thiện thể chế phục vụ phát hiện, xử lý sai phạm.
Mặt khác, tăng cường hợp tác, gắn trách nhiệm các tập đoàn công nghệ, công ty truyền thông để siết chặt quản lý, ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện, loại trừ các trang mạng chuyên tung tin xấu độc, fake news.
Đồng thời, đề cao trách nhiệm các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị, đảng phái; các học giả, chính trị gia, nhà nghiên cứu và của từng người dân trong bày tỏ quan điểm, phản bác; cũng như năng lực tiếp cận thông minh, ứng xử chính xác, khả năng “đề kháng”, định hướng cao, nhằm giảm thiểu tác động xấu cho cộng đồng trước thực tế còn quá nhiều bất ổn, từ “mớ thông tin” chưa kiểm chứng trên các trang mạng.
Điển hình, Malaysia là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật Chống tin giả, theo đó, những ai bị buộc tội về phổ biến nội dung giả mạo sẽ bị phạt tù tối đa 6 năm hoặc phạt 500.000 ringit (128.000 USD); Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu các công ty Facebook, Twitter, Google+ áp dụng các biện pháp ngăn chặn những thông tin lừa đảo, gian lận trên các trang mạng thuộc hệ thống.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, ngày 18-3-2019 đã ký ban hành và công bố hai đạo luật, qui định phạt nặng các hành vi phổ biến tin giả mạo và xúc phạm biểu tượng Nhà nước trên mạng. Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp, Singapore, Campuchia… cũng ban hành các đạo luật, có các quy định nghiêm khắc để xử lý, ngăn chặn những thông tin xấu độc, sai sự thật trên các trang mạng xã hội.
Việt Nam là một trong 10 nước có số lượng người dùng Facebook, YouTube cao nhất thế giới. Trong cuộc chiến loại trừ vấn nạn, đang đe dọa mất ổn định, an ninh ở hầu hết các quốc gia, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt tập trung ngăn chặn, giải quyết.
Đặc biệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là các cơ quan làm công tác tư tưởng, dân vận, báo chí, ngành chức năng và toàn dân tự giác, trách nhiệm tham gia.
Kết quả thu được không nhỏ, đã đấu tranh tích cực với các hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch. An ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Nội lực đất nước được khơi dậy và phát huy; tăng trưởng của nền kinh tế luôn ở mức cao; những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội đều đạt khá và vượt chỉ tiêu đề ra.
Bộ mặt của đất nước có sự thay đổi đáng kể, quan hệ quốc tế luôn được mở rộng, vị thế đất nước ngày được nâng cao. Công khai, dân chủ trong nội bộ được mở rộng; đời sống mọi mặt của nhân dân đã được không ngừng cải thiện, nâng lên. Cuộc chiến chống tham nhũng bước đầu thu được kết quả tốt… Niềm tin của nhân dân vào chế độ XHCN, vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thông tin giả mạo, xấu độc được đăng tải trên các trang mạng xã hội vẫn hiện hữu, diễn biến phức tạp, khó lường, đe dọa an ninh, ổn định chính trị, xã hội.
Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng những khiếm khuyết của CNXH hiện thực; những bất cập, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước; những yếu kém, khuyết điểm, tiêu cực, tham nhũng, không gương mẫu; sự thiếu thông tin, kém hiểu biết hoặc sự suy thoái tư tưởng chính trị của bộ phận cán bộ, đảng viên…
Một số người, trong đó có cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị tư tưởng, đã đưa tin, bài viết, video clip có nội dung bịa đặt, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phê phán, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; kích động hận thù dân tộc, tôn giáo, chia rẽ Đảng với nhân dân bằng việc vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo.
Lợi dụng việc Đảng và Nhà nước xử lý một số cán bộ, đảng viên có tiêu cực, tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… để suy diễn, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhiều lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là cán bộ cấp cao…
Các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng những nhân tố này để mua chuộc, lôi kéo, thúc đẩy những hạt nhân, mắt xích chống đối trong nước. Mưu đồ của chúng nhằm tập hợp lực lượng, thổi bùng các vấn đề tiêu cực, gây tâm lý bức xúc, hoài nghi, giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; tiến đến kích động biểu tình, bạo loạn, gây rối, làm mất an ninh quốc gia và sâu xa hơn là thay đổi chế độ ở Việt Nam.
Nguyên nhân thông tin bịa đặt, xấu độc đang hiện hữu tràn lan, bằng mọi thứ ngôn ngữ, ở hầu khắc các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Song trước hết, nguyên nhân cốt lõi là việc hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh, ngăn chặn chưa thật đồng bộ, chặt chẽ; “lỗ hổng” trong quản trị còn nhiều và giải pháp được các chính phủ đưa ra để giải quyết chưa thật quyết liệt, nghiêm khắc, hiệu quả; trách nhiệm của các tập đoàn công nghệ, công ty truyền thông còn thấp, nhiều vấn đề buông lỏng quản lý.
Còn nặng về kinh doanh, lợi nhuận trong thông tin mạng và đặc biệt là trách nhiệm, lòng tự trọng, liêm chính, khả năng “phán xét” và đạo đức của tổ chức, cá nhân còn hạn chế khi đưa tin, chia sẻ trên các mạng xã hội trước lợi ích, sự ổn định của cộng đồng; an ninh, an toàn và danh dự, nhân phẩm, thậm chí là sinh mạng chính trị, sự sống còn của tổ chức, doanh nghiệp và người khác.
Khi khắc phục được những lổ hổng này, thiết nghĩ thông tin bịa đặt, xấu độc sẽ bị đẩy lùi.
Để giữ vững an ninh quốc gia, sự ổn định, phát triển xã hội và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, không gian mạng nhất thiết phải được quản lý, ngăn chặn và xử lý…
CAND