Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân – minh chứng sinh động phản bác các luận điệu chia rẽ, xuyên tạc
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra hàng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), được Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức tại các khu dân cư nhằm tôn vinh các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đồng thời tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.
Việc tổ chức ngày hội đã góp phần tạo nên phong trào, gắn kết và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân, đấu tranh với âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm. Đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành hoạt động thường niên.
Từ lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ, sức mạnh, lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết toàn dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ chân lý: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Người cũng khẳng định: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn ai hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó”; “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
Đảng ta luôn khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng; sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là “thế trận lòng dân”, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân”. Nhất quán quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương quan trọng, phát động nhiều phong trào thi đua, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 – ngày Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất để làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến ngày 18/11, Mặt trận đã đề ra chương trình, nội dung và các hình thức hoạt động phong phú, đa dạng nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam. Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” vào dịp 18/11 hằng năm. Theo đó, các địa phương tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, phát huy tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm, làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự của đất nước.
Nhờ quán triệt, thực hiện quan điểm đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cường, tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền, thành phần dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, phát huy, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc còn góp phần biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những mô hình, tập thể, cá nhân xuất sắc, điển hình tiêu biểu ở cơ sở, đồng thời, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân.
Minh chứng sinh động phản bác mọi luận điệu xuyên tạc
Các thế lực thù địch, phản động cố tình xuyên tạc rằng, ở Việt Nam “làm gì có chính sách đại đoàn kết dân tộc” hay “chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc và chính sách đại đoàn kết dân tộc hao tiền, tốn của thực thi nhưng kết quả thì ngược lại”; “một chính sách mang cái tên rất mỹ miều nhưng lại xuất phát từ ý đồ thực dụng và động cơ lợi dụng đối phương…”. Chúng đưa ra luận điệu chia rẽ Đảng với dân, coi Đảng chỉ đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên của Đảng chứ không có quyền đại diện cho lợi ích toàn dân tộc. Đồng thời kích động gây chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đưa ra những quan điểm gây hiềm khích, chia rẽ các tầng lớp nhân dân với nhau, gây mâu thuẫn, phân biệt đối xử cực đoan giữa nhân dân các vùng miền.
Những luận điệu, âm mưu và hành động trên đều cổ xúy cho tư tưởng “chia để trị” của thời đất nước thuộc ách cai trị của thực dân Pháp. Chúng còn cấu kết các lực lượng, các đảng phái phản động, các tổ chức, phần tử chống đối trong và ngoài nước để phá hoại đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Bằng mọi thủ đoạn, các đối tượng tập trung xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thổi phồng những khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân, cho rằng đó là “lỗi hệ thống”, là “bản chất của Đảng”. Chúng ra sức kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tư tưởng ly khai dân tộc, phá hoại sự đoàn kết thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam như kích động cái gọi là “quyền tự trị” của các dân tộc thiểu số; lập “vương quốc” của người Mông, người Chăm, người Khmer Nam Bộ, “nhà nước Đềga” Tây Nguyên… Chúng đội lốt tôn giáo để hoạt động chính trị, móc nối xây dựng cơ sở phản cách mạng, khuyến khích nhân dân duy trì tập tục lạc hậu, cổ vũ lối sống thực dụng.
Các đối tượng xuyên tạc, bẻ cong lịch sử, đảo ngược chân lý nhằm làm cho người dân Việt Nam, nhất là kiều bào ta ở xa Tổ quốc hiểu sai, dẫn tới thiếu niềm tin, hoài nghi về chủ trương, chính sách đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc; gợi lại vết thương trong quá khứ; gây chia rẽ, nghi kỵ lẫn nhau, cố tình tạo ra sự phân biệt, ngăn cách, kỳ thị trong nhân dân. Chúng cố tình làm cho thế giới hiểu sai về một Việt Nam nhân văn, hòa hiếu, trọng tình, trọng nghĩa; làm giảm sự chung tay, đồng lòng trong tiến trình hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cản trở, tiến tới xóa bỏ con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.
Thực tế, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương xuyên suốt, thống nhất của Đảng ta, được thể hiện trong nội dung nhiều văn kiện, nghị quyết, quyết định, chỉ thị qua các thời kỳ cách mạng. Đến nay, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, giữ vững ổn định chính trị – xã hội.
Từ nhiều năm nay, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, là dịp để phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, sẻ chia, giúp đỡ với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Với ý nghĩa nhân văn đó, nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ người nghèo và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội… Đến nay cả nước đã có 83,12% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 89,24% gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 65,43% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 67,38% xã đạt chuẩn xã văn hóa nông thôn mới; 100% số xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ; hầu hết các gia đình chính sách và người có công đều có mức sống từ trung bình trở lên. Theo kết quả tổng hợp của các địa phương, Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, trong đó: Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 20.674 tỷ đồng; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ chương trình an sinh xã hội trực tiếp cho các địa phương trên 63.756 tỷ đồng. Qua đó đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh; giúp đỡ trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập; hỗ trợ trên 2 triệu lượt người nghèo về phát triển sản xuất và hỗ trợ xây dựng hàng trăm công trình dân sinh. Những hoạt động này đã trở thành nguồn động lực to lớn, là sức mạnh nội sinh khơi dậy niềm tin của nhân dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết ngay từ mỗi khu dân cư. Đó là thực tiễn sinh động phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực xấu.
Ngày 17/10/2024, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong suốt 94 năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò, sứ mệnh trong việc phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ, cổ vũ, động viên nhân dân ta hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy các nguồn lực, sức sáng tạo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chiến lược của đất nước trong mỗi giai đoạn lịch sử. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh cần ưu tiên hàng đầu việc củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Tối 12/11/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội). Phát biểu tại chương trình, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn là một trong những nguồn lực mạnh mẽ nhất vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước”.
Thực tiễn cho thấy, không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hiện hữu sôi nổi trên khắp cả nước. Từ làng xóm, bản làng miền núi hay thành thị, người dân không phân biệt tôn giáo, dân tộc, cùng nhau ôn lại truyền thống, chung vui với những thành tựu trong lao động, sản xuất và cùng chung điệu múa lời ca. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã dần trở thành một nét đẹp văn hóa gắn kết nhân dân chung sức đồng lòng xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cũng như tạo thế trận vững chắc ngăn ngừa các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch từ đời sống đến không gian mạng. Tinh thần đại đoàn kết dân tộc được củng cố và lan tỏa, trở thành nền tảng tinh thần, động lực nội sinh giúp khơi dậy niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.