Góp ý, hay gieo rắc “độc dược chính trị”?

Hướng tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng Cộng sản Việt Nam, mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước đã gửi đến Ðảng rất nhiều ý kiến góp ý, hiến kế chân thành, có tính xây dựng, thể hiện ý thức trách nhiệm với sự phát triển của đất nước, dân tộc… Tuy nhiên, một số tổ chức, cá nhân lại coi đây là cơ hội phát tán trên in-tơ-nét một số văn bản có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, chống phá Ðảng, Nhà nước, truyền bá luận điểm đi ngược xu thế phát triển tất yếu của dân tộc.

Ảnh minh họa

Ðó là lý do để từ nước Mỹ, luật sư Hoàng Duy Hùng đã viết bài phản biện và gửi đến Báo Nhân Dân. Chúng tôi giới thiệu bài viết để bạn đọc tham khảo.

Ngày 24-10-2020, tổ chức có tên gọi là “câu lạc bộ Lê Hiếu Ðằng” (CLB LHÐ) đưa lên mạng một thư dài gọi là “góp ý Ðại hội XIII Ðảng Cộng sản Việt Nam”, trong đó cho rằng Ðảng, Nhà nước không “đối thoại với người bất đồng chính kiến”, phải “cải tổ tư pháp” và tiến tới cải tổ chính trị. Ðể chứng minh các cáo buộc, CLB LHÐ trưng dẫn ba vụ án Phạm Thị Ðoan Trang, Hồ Duy Hải, Ðồng Tâm (Hà Nội). Với tư cách là một luật sư hành nghề hình sự ở Mỹ hơn 20 năm, tôi đề cập một số khía cạnh pháp lý để chỉ rõ sự hồ đồ, xuyên tạc của CLB LHÐ về ba vụ án này, cũng như cách nhìn không đúng đắn của họ về cải tổ tư pháp.

Trước hết về Phạm Thị Ðoan Trang. Chị này bị bắt vì tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam; làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung, dù đề cao tự do song đều không cho phép kêu gọi chống Nhà nước nơi mỗi người sinh sống. Ðạo Luật Espionage Act 1917 của Mỹ cấm không cho hoạt động hoặc kêu gọi lật đổ Nhà nước Mỹ, nếu vi phạm có thể bị truy tố tội phản quốc với mức án từ 20 năm tù trở lên. Ông E.V.Debs (E.V Ðép, 1855 – 1926), sáng lập Ðảng Xã hội ở Mỹ, đăng đàn kêu gọi giới trẻ đừng đăng ký nhập ngũ cho nên bị bắt, xét xử về tội phản quốc và nhận án 10 năm tù. Ông kháng án lên Tối cao pháp viện. Tối cao pháp viện ra phán quyết rằng dù E.V.Debs đã khéo léo không dùng từ ngữ kích động lật đổ Nhà nước, nhưng lời kêu gọi, hành động của ông đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ – ngầm ý vi phạm Ðạo Luật Espionage Act 1917, ngược lại các luật lao động của Mỹ, nên y án. Mỗi quốc gia có con đường phát triển và văn hóa lịch sử riêng, nên có quy chế chính trị riêng, không thể lấy quy chế chính trị của quốc gia khác để áp dụng vào Việt Nam, không thể áp đặt quan niệm tự do, nhân quyền của nước khác vào công việc nội trị ở Việt Nam. Phạm Thị Ðoan Trang vi phạm luật pháp Việt Nam cho nên bị bắt tạm giam để điều tra. Cần lưu ý rằng, các nội dung Phạm Thị Ðoan Trang xuyên tạc sự thật vụ án tại Ðồng Tâm có nội dung giống hệt nội dung CLB LHÐ công bố trong bức thư. Về vụ án liên quan Hồ Duy Hải, các cơ quan pháp luật đã xác nhận một số sai sót về thủ tục, nhưng những sai sót đó không làm thay đổi bản chất vụ án, và chính bị cáo Hồ Duy Hải cũng không kêu oan. Chỉ có đầu óc bệnh hoạn như CLB LHÐ mới sử dụng vụ án Hồ Duy Hải để lái theo hướng suy diễn, kích động: “phần nhiều quan chức lớn vào tù cũng là “ở tù cha” với đủ các tiện nghi phục vụ cá nhân trong trại giam, còn có thể đem cả vợ con vào ở, chứ không như công dân Hồ Duy Hải thậm chí người mẹ muốn đi thăm đưa thức ăn vào cho con cũng không được phép”! Viết nhưng không đưa ra bằng chứng, tức là CLB LHÐ vu khống Nhà nước. Về thăm nuôi tù nhân cũng vậy, không phải thăm nuôi tù nhân muốn đưa gì cũng được. Ở Mỹ, tôi là luật sư đại diện cho thân chủ, khi đến thăm thân chủ cũng không có quyền tùy tiện đưa thức ăn mà phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt của quản lý trại giam, đề phòng tuồn đồ phi pháp, thức ăn gây ngộ độc…

Về vụ án xảy ra tại Ðồng Tâm, CLB LHÐ dành đến 80% chữ nghĩa trong bức thư để đưa ra lý luận mơ hồ, võ đoán, từ ngữ kích động, nhận định chủ quan và ngông cuồng, như khẳng định “chính quyền từ sai lầm đến tội ác”, “sát hại”, “bắt bớ, trấn áp các nhà dân chủ”, “xâm phạm trắng trợn các thủ tục tố tụng hình sự”. Và tôi không biết họ lấy dữ liệu từ đâu để kết luận “công luận khách quan của toàn xã hội, đây là một bản án không có sức thuyết phục”? Thực tế cho thấy đa số quần chúng ở trong nước và nước ngoài ủng hộ kết quả xét xử vụ án Ðồng Tâm. Nhiều người còn cho rằng bản án như thế là quá nhẹ, nếu xảy ra ở Mỹ thì xử phạt nặng hơn nhiều. Tại sao? Vì bản chất của vụ án không phải là tranh chấp đất đai của một số người dân với chính quyền, mà là một nhóm người vi phạm hình sự, làm loạn kỷ cương xã hội. Ðất Ðồng Sênh là đất quốc phòng, vì chưa có nhu cầu sử dụng ngay, nên người dân Ðồng Tâm được tận dụng canh tác. Khi còn là chủ tịch UBND và bí thư đảng ủy xã, ông Lê Ðình Kình đã lạm dụng chức vụ, chia cắt bán đất quốc phòng một cách phi pháp. Ông đi từ sai phạm này sang sai phạm khác. Biết Nhà nước lấy lại, nghĩ đất có giá trị, Lê Ðình Kình rủ rê người dân “tranh đấu”, hứa hẹn ai theo ông thì nay mai mỗi mét vuông sẽ được 6 triệu đồng, mà trong thực tế ông, gia đình ông và những người trong “tổ đồng thuận” do ông lập ra không có một mét vuông nào ở đó. Nhà nước đã tiến hành đối thoại nhiều lần, nhưng “tổ đồng thuận” không nghe theo lẽ phải, có lần còn giam giữ cả công an. Cuối cùng thấy sự thật bị phơi bày, nhất là khi ông Lê Ðình Kình cùng đồng bọn ghi hình đưa lên Facebook cho biết họ có lựu đạn, dao bầu, thuốc nổ, dao phóng lợn, sẵn sàng giết từ 300 đến 500 công an. Mỹ và hầu hết quốc gia phương Tây đều có luật về chủ quyền tối thượng của Nhà nước, vì lợi ích chung mà Nhà nước có quyền thu hồi đất sau khi đã bồi thường theo giá thị trường. Ở đâu cũng vậy, việc truy lùng tội phạm được tiến hành theo thời gian suốt 24 giờ, bất kể ngày đêm. Thí dụ gần đây là ông R. Stone (R. Sờ-tôn) bạn thân và cố vấn của Tổng thống D. Trump (D.Trăm). Chỉ vì hai người đàn em đưa ra chứng cớ mơ hồ rằng ông liên quan việc nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử vào năm 2016 ở Mỹ, công tố viên độc lập R. Mueller (R. Mu-lơ) đã cử 30 nhân viên FBI trang bị đầy đủ súng ống, đêm khuya đến nhà bắt R. Stone. Ông R. Stone còn mặc nguyên đồ ngủ, hai tay để sau gáy đi ra cho họ bắt. Trong khi đó trước khi tiến vào nhà ông Lê Ðình Kình, công an nhiều lần kêu gọi đầu hàng, nhưng họ nhất định không nghe, công an buộc phải tiến vào.

Ở Mỹ, tội này không chỉ xử tử hình Lê Ðình Công, Lê Ðình Doanh mà toàn bộ số người có mặt tại ngôi nhà nơi ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh, vì họ đã phạm tội đồng lõa giết người thi hành công vụ. Án lệnh của Tối cao pháp viện trong vụ Graham v. Connor (Gờ-ra-ham v. Con-nơ), 490 U.S. 386 (1989) cho phép cảnh sát dùng vũ lực trong cả các trường hợp dân sự nếu cảnh sát cảm thấy tính mạng mình bị đe dọa: “Các cảnh sát viên phải quyết định chỉ trong tích tắc, rất căng thẳng, không chắc chắn tình thế ra sao cho mình, nên áp dụng bạo lực cần thiết là điều có lý (ở đây tiếng Anh là reasoanable)”. Một thí dụ, là vụ án liên quan cô y tá B.Taylor (B.Tay-lo) ở Louisville (bang Kentucky). Ba cảnh sát nghi ngờ có người buôn bán thuốc phiện ở trong căn hộ của cô B. Taylor. Sau khi gõ cửa, đạp cửa xông vào, họ bị bạn trai của cô B. Taylor nổ súng bắn lại. Lập tức ba cảnh sát xả đạn, B. Taylor bị trúng năm viên, chết tại chỗ. Nếu áp dụng tiêu chuẩn đó vào vụ án ở Ðồng Tâm, với các thông tin mà “tổ đồng thuận” đưa lên Facebook từ trước, thì rõ ràng đó là tổ chức khủng bố, cần áp dụng bạo lực cần thiết khi họ chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, trong thư “Góp ý Ðại hội XIII Ðảng Cộng sản Việt Nam”, CLB LHÐ lại không đề cập tình huống dẫn đến cái chết của ông Lê Ðình Kình, mà còn cáo buộc bị cáo bị ép cung, trong khi hình ảnh trực tuyến cho thấy các bị cáo tình nguyện thú tội. Riêng ông Bùi Viết Hiểu, đã bỏ qua bào chữa của luật sư và tự thú tất cả trước tòa, nhờ như vậy ông mới được nhận bản án 16 năm tù. Nhiều bị cáo khác cũng không nhờ luật sư bào chữa cho họ nữa, vì cãi chày cãi cối để bào chữa theo hướng vô tội chỉ làm tội tăng thêm. Quyết định sáng suốt đã giúp họ được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, tội danh giết người đã được chuyển sang tội danh chống người thi hành công vụ. Tôi rất ngạc nhiên vì trước sự thật và diễn biến sự việc được công bố cụ thể, rõ ràng trên hệ thống truyền thông mà CLB LHÐ vẫn cố tình không nhận ra. Vậy họ xuyên tạc như thế nhằm mục đích gì?

Cuối cùng, đề nghị cải cách tư pháp của CLB LHÐ làm tôi nhớ chuyện một bác gốc “Việt Nam cộng hòa” qua Mỹ từ năm 1975, không ưa thích Tổng thống D. Trump nên đã phát biểu: “tam quyền phân lập thì tư pháp phải độc lập, bộ trưởng tư pháp không cần phải theo lệnh của D. Trump”. Tôi cười vì Bộ Tư pháp của Mỹ là một bộ trong bộ máy hành pháp, do Tổng thống bổ nhiệm, phải làm theo ý của Tổng thống! Bộ Tư pháp khác với ngành tư pháp. Mỗi một quốc gia có một thể chế chính trị riêng biệt, ngành tư pháp và bộ tư pháp trong chế độ đa đảng khác với ngành tư pháp và Bộ Tư pháp trong chế độ đơn đảng, không thể đem tư duy, hệ thống điều hành của ngành tư pháp và bộ tư pháp của Mỹ để áp dụng vào Việt Nam. Mục tiêu của ngành tư pháp, Bộ Tư pháp là duy trì luật pháp, giữ gìn kỷ cương xã hội, bảo vệ cuộc sống của người dân, các vị ở CLB LHÐ có dám bảo đảm chắc chắn ngành tư pháp, Bộ Tư pháp ở Mỹ hay phương Tây luôn luôn công bằng? Xem vụ kiện tụng bầu cử của Mỹ thì cũng thấy các nhược điểm của ngành tư pháp và Bộ Tư pháp tại nước Mỹ, nên Việt Nam cần cải cách tư pháp theo sắc thái riêng của mình để bảo đảm xây dựng đất nước ổn định, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, có thể cần tham khảo bên ngoài giúp hoàn chỉnh, nhưng không thể làm theo quan niệm của bất kỳ quốc gia nào.

Lời kết: Ðọc bức thư gọi là “góp ý” của CLB LHÐ, tôi cảm nhận đây là tờ truyền đơn kích động với nhiều sự bóp méo xuyên tạc sự thật, nên theo tôi “góp ý” này không chút giá trị, mà thiết nghĩ đây là một loại độc dược chính trị. Thứ độc dược đó cần phải bị vạch trần, phân tích, bác bỏ giúp nhân dân cảnh giác và đấu tranh với mưu đồ của các tổ chức như CLB LHÐ.

HOÀNG DUY HÙNG (Mỹ)/Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *