Nhận diện và vạch trần chiêu trò tẩy chay bầu cử

Càng gần tới thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, các thế lực thù địch lại càng gia tăng các thủ đoạn chống phá.
Vạch trần chiêu trò tẩy chay bầu cử, không biết không bầu
Càng gần tới ngày bầu cử, các thế lực thù địch càng triệt để sử dụng không gian mạng xã hội, vận dụng mọi chiêu trò thủ đoạn nhằm tác động vào tâm lý cử tri, kích động, xúi giục người dân không đi bầu cử. Chúng rêu rao rằng “Cuộc bầu cử do Đảng Cộng sản lãnh đạo không thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân nên không cần đi bỏ phiếu”, “bầu cử tại Việt Nam không có tự do, dân chủ”, “bầu cử chỉ là màn kịch dân chủ do Đảng đạo diễn”, “việc lựa chọn ĐBQH nằm trong tay Đảng, người trúng, người trượt đều được lựa chọn từ trước rồi, chứ không quyết định bởi lá phiếu của cử tri”.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường – Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) – cho biết: “Đây là những luận điệu không hề mới, những đối tượng đã sử dụng trong nhiều năm qua và lặp đi lặp lại. Trong đó có một số cá nhân ở trong nước bị xúi giục kích động, móc nối nhận sự chỉ đạo của bên ngoài để thực hiện ý đồ này, có các đối tượng là các tổ chức, cá nhân phản động người Việt lưu vong. Ngoài ra, một số tổ chức bên ngoài do thiếu thông tin hoặc thiếu thiện cảm thì đưa ra những bình luận những thông tin sai lệch về chế độ bầu cử cũng như tình hình đất nước”.
Qua kênh YouTube, kẻ phản động chuyên chống phá Nhà nước đang sống lưu vong này đã trắng trợn phát tán thông tin kêu gọi cử tri tẩy chay bầu cử bằng cách không đi bầu hoặc gạch tên toàn bộ các ứng viên và viết tên người mình ủng hộ lên phiếu bầu, bao gồm các đối tượng phản động trong đó có tên của chính y.
Lợi dụng sự lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội, một loạt tổ chức phản động đã phát tán đủ loại thông tin tiêu cực với mọi thủ đoạn chống phá, kêu gọi tẩy chay bầu cử, xúi giục người dân không tham gia bầu cử.
Tổ chức phản động Việt Tân đã lập mới hàng trăm tài khoản mới, củng cố hàng nghìn tài khoản cũ trên các mạng xã hội để đăng tải, phát tán những thông tin tiêu cực, xuyên tạc về bầu cử, lôi kéo người dân tẩy chay bầu cử.
Nhánh chân rết của Việt Tân lập nhóm “Trung tâm thành lập Quốc hội – Việt Nam dân chủ 2021” lập ra website nhái theo Cổng thông tin điện tử của Quốc hội nhằm “đánh lận con đen”, kích động người dân không đi bầu cử; kêu gọi các thành phần bất mãn, thoái hóa biến chất tự ứng cử vào tổ chức phản động có tên gọi “Quốc hội – Việt Nam dân chủ 2021”, tán phát tài liệu kêu gọi lôi kéo người dân tham gia.
Cùng với sự chống phá quyết liệt của các tổ chức và cá nhân chống đối, không thể không kể đến sự cấu kết của các trang báo nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam, chiêu trò cũ rích của họ vào mỗi cuộc bầu cử vẫn là tung ra ý kiến sai trái của những kẻ lợi dụng tự ứng cử phá hoại bầu cử, hay một số ít những cá nhân bất mãn trong nước, có “thâm niên” chống đối chế độ nhằm tác động tới cử tri, gieo rắc tâm lý hoài nghi, mất lòng tin vào cuộc bầu cử.
Chúng tung tin bịa đặt: ứng cử viên không có chương trình hành động, cũng chẳng vận động tranh cử hay gặp gỡ cử tri thì biết thế nào mà bầu. Chúng nhằm vào sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để tung tin xấu, kích động tâm lý chống đối và đi đến xúi giục không biết không bầu.
Nhưng những luận điệu xuyên tạc cũ rích này đã dễ dàng bị cử tri nhận diện. Nhiều người dân đã lên tiếng ngay tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên đại biểu trong giai đoạn vận động bầu cử.
“Đối với tôi đây là hiện tượng tuyên truyền phản động. Các nơi đều treo hòm phiếu, tiểu sử ứng cử viên để nhân dân đến đọc. Ngoài ra, hệ thống tuyên truyền cấp phường, Đảng Nhà nước, rộng rãi đến nhân dân. Tiểu sử ứng cử viên đều gửi cho các gia đình. Đây là điều rất dân chủ để người dân tự lựa chọn đại biểu của mình” – ông Vũ Xuân Tám, cử tri phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội nói.
“Đối với người khiếm thị như tôi thì hiện nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ ví dụ như máy tính và điện thoại, chúng tôi không gặp nhiều khó khăn lắm trong việc tiếp cận thông tin về các ứng cử viên cũng như chương trình hành động của các ứng cử viên. Chúng tôi tiếp cận qua các tài liệu bản mềm, ví dụ như email hoặc kênh thông tin khác của báo chí đăng tải hàng ngày” – anh Hoàng Văn Lý, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nói.
Thực tế đã chứng minh, công tác chuẩn bị bầu cử đã, đang và sẽ tiếp tục được tiến hành một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan theo đúng quy định của pháp luật. Những đối tượng lợi dụng dân chủ để phá hoại cuộc bầu cử, lôi kéo xúi giục người dân không đi bầu cử sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Hiến pháp và pháp luật đã quy định quyền bầu cử thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Và không ai, không thế lực nào có thể xâm phạm, cũng như lợi dụng quyền bầu cử đó để phá hoại ngày hội của toàn dân tộc Việt Nam. Nhìn lại lịch sử từ năm 1946 trở về trước, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, công dân Việt Nam chưa khi nào được hưởng không khí tự do, dân chủ; chưa ai được cầm trong tay lá phiếu để bầu ra cơ quan quyền lực nhà nước các cấp, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Để có được Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 6/1/1946, cả dân tộc đã phải đấu tranh hàng nghìn năm, phải đổ biết bao xương máu để mỗi công dân Việt Nam được thực hiện quyền bầu cử thiêng liêng của mình.
Đi bầu cử – quyền và trách nhiệm nghĩa vụ thiêng liêng của công dân
Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử, để mang lại tính chính danh, tính hợp pháp cho chính quyền non trẻ, đồng thời để người dân Việt Nam được thực hiện quyền ứng cử và quyền bầu cử của công dân một nước độc lập.
Trước 1 ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, sáng 5/1/1946, lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng tải trên các báo:
“Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946.
Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.
Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”.
Và vào ngày trọng đại ấy, dù đất nước còn chia cắt, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên vẫn diễn ra trong cả nước. Ở phía Nam, bất chấp bom đạn của giặc Pháp người dân vẫn đi bỏ phiếu rất đông. Ở phía Bắc mặc dù phải đối phó với âm mưu phá hoại của kẻ thù nhưng cuộc Tổng tuyển cử diễn ra an toàn, người dân hân hoan đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ.
“Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi, không phân biệt gái, trai, đều có quyền bầu cử” – những quy định đầu tiên về quyền bầu cử được nêu rõ như vậy tại Điều 18 Hiến pháp 1946 và tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp sau này.
Bầu cử là quyền cơ bản của công dân, người dân cần phải trân trọng quyền này, quyền quyết định vận mệnh, tương lai của chính mình và của đất nước.
Tham gia bầu cử là quyền của công dân. Điều 6 của Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Do đó, nếu không đi bầu cử thì đồng nghĩa với việc cử tri đã tự từ bỏ quyền làm chủ đất nước của mình và hơn nữa tẩy chay bầu cử hay bỏ phiếu trắng chính là thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm đối với bản thân và tương lai đất nước.
Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946, dù tàn tích chiến tranh ngổn ngang, dù thù trong giặc ngoài, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn đồng lòng, không từ bỏ quyền bầu cử thiêng liêng của mình.
Và trong suốt 75 năm qua, với 14 cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và hàng chục cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, người dân Việt Nam đã sáng suốt lựa chọn ra những người đại diện cho tiếng nói và cho lợi ích của chính mình để lãnh đạo đất nước vượt qua khói lửa chiến tranh, giành lại hòa bình xây dựng đất nước không ngừng phát triển đi lên như hiện nay.
Năm 1960, khi phát biểu tại Đại hội nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử Quốc hội khóa II, Hồ Chủ Tịch đã nói: “Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý; nó là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thật sự làm chủ nước nhà”.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Việc tổ chức và đảm bảo an ninh an toàn cho sự kiện chính trị quan trọng này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và quyết tâm của toàn Đảng toàn dân trong suốt một thời gian dài.
Chính vì thế, việc đi bầu cử vào ngày 23/5 tới đây không chỉ thể hiện quyền làm chủ của cử tri thông qua lá phiếu, mà còn là cách để thể hiện trách nhiệm của người công dân với đất nước, chung sức đồng lòng cùng các cấp chính quyền vì sự thành công cho một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước.
Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, thì âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch cũng ngày càng quyết liệt, manh động, liều lĩnh, trắng trợn. Tất cả đang đặt ra những thách thức chưa từng có cho công tác bầu cử của nước ta. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần hiểu rằng, đằng sau luận điệu tẩy chay bầu cử chính là mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, chống phá chế độ, làm tổn hại tới sự ổn định và phát triển của đất nước.
Tình hình đó đòi hỏi mỗi công dân cần nêu cao trách nhiệm đối với tương lai đất nước thông qua lá phiếu của mình, lựa chọn những đại biểu có đức có tài, đại diện cho ý chí nguyện vọng của mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước. Sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân chính là sức mạnh to lớn để Đảng ta vững vàng chèo lái, dẫn dắt đất nước vượt qua khó khăn này. Đây sẽ là những vũ khí sắc bén nhất để đập tan những luận điệu xuyên tạc, những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững ổn định, đóng góp vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước.
Theo vtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *