Lại diễn trò “tham tiền cột mỡ”…
Hồi tháng 7/2021, tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (MLNQVN) tung ra cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” với hạn chốt danh sách ứng viên đến hết tháng 9 và sẽ trao vào cuối năm. Trò lố này đã bị dư luận lên án từ lâu, chỉ tiếc là vẫn có kẻ tưởng được thưởng là oách nên “tham tiền cột mỡ lắm anh leo”…
Để lọt danh sách ứng viên, “thành tích” phải… bất hảo
Đầu tháng 7/2021, MLNQVN ra “Thông cáo báo chí” cho biết, sẽ nhận đề cử ứng viên cho “Giải Nhân quyền Việt Nam” (GNQVN) năm 2021, hạn nhận đề cử từ 7/7/2021 đến ngày 30/9/2021. Hiện mốc thời gian trên đã hết, ứng viên cũng đã chốt, dù danh sách giải thưởng năm nay chưa được công bố nhưng với kịch bản, mưu đồ vẹn nguyên như các năm trước, đủ hình dung ai sẽ “lên bục”.
GNQVN được tổ chức này đưa ra vào năm 2002 và hằng năm đều diễn lại kịch bản như cũ. Trong thông cáo hồi tháng 7, tổ chức này nói rằng giải thưởng sẽ trao cho “cá nhân hoặc tổ chức tại Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Đồng thời, tô vẽ thành “GNQVN cũng là cơ hội để người Việt Nam trên khắp thế giới thể hiện tình đoàn kết và hỗ trợ đối với những người tham gia đấu tranh không ngừng cho các quyền cơ bản và công lý cho người dân Việt Nam”.
Trên các diễn đàn, tổ chức này rêu rao việc trao giải thưởng với những mục đích, ý nghĩa hết sức cao đẹp như: nhân danh, đề cao vấn đề quyền con người; xem việc ngợi ca những cá nhân tranh đấu cho lý tưởng nhân quyền là cách để thúc đẩy, làm cho quyền con người được thực hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất. Những ứng viên, rồi chủ nhân các giải thưởng này khi “vinh danh” đều được tung hô với những ngôn từ hết sức mĩ miều như “nhà tranh đấu bất bạo động cho lý tưởng nhân quyền tại Việt Nam”; “tự nguyện dành toàn thời gian dấn thân vào con đường tranh đấu vì quyền lợi của giới lao động”; “một nhà tranh đấu dũng cảm cho nhân quyền và dân chủ tự do cho Việt Nam, giữ vững lập trường, không bao giờ từ bỏ lý tưởng, và phấn đấu không ngừng cho công lý, nhân phẩm và tự do”…
Tuy nhiên, ngay sau lớp câu từ mỹ miều đó là sự thật khôi hài. Tính từ năm 2002 đến nay, tổ chức này đã trao giải thưởng cho 49 cá nhân và 4 tổ chức. Lật lại danh sách được giải thưởng thì đó là những cái tên nhẵn mặt trong giới tự xưng “dân chủ, nhân quyền” để chống phá đất nước như: Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Bình, Lê Chí Quang, Nguyễn Ðăng Quế, Lê Quang Liêm, Thích Quảng Ðộ, Phan Văn Lợi, Nguyễn Chính Kết, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Hải, Trần Khải Thanh Thủy, Tạ Phong Tần, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Phạm Ðoan Trang, Lê Công Ðịnh… Đó hầu hết là những đối tượng đã, đang chấp hành án về các tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, cũng có những cá nhân đang bị khởi tố, điều tra về nhóm tội danh này.
Với danh sách “khen thưởng” như vậy, đủ thấy tổ chức này tung ra giải nhân quyền lố bịch như thế nào. Tiêu chí trao thưởng được chỉ ra với 3 điểm: (1) Phải là một cá nhân hoặc tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam; (2) đã có “thành tích” đấu tranh bất bạo động vì nhân quyền cho người dân Việt Nam; (3) việc đấu tranh đã tạo được “ảnh hưởng tích cực” tại quốc nội cũng như ở hải ngoại. Đáng chú ý, trong hướng dẫn đề cử, tổ chức này còn lưu ý quá trình hoạt động có liên quan đến nhân quyền Việt Nam như “tác phẩm đã phổ biến, gian khổ đã chịu đựng, thành tích được tuyên dương”… Năm 2020, mạng lưới này cũng dành mấy tháng rêu rao đề cử và rốt cuộc đã tiến hành trao cho Nguyễn Năng Tĩnh, Nguyễn Văn Hóa, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.
Khi nhìn vào những cá nhân được nhận giải, không khó để chúng ta thấy điểm chung là những cá nhân đó đều có hành động chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ hết sức quyết liệt. Chẳng hạn, một trong ba đối tượng nhận giải năm 2020 là Nguyễn Năng Tĩnh, đây là đối tượng bị kết án về hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976, là người Công giáo, sinh hoạt tại Giáo xứ Mỹ Khánh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tốt nghiệp Nhạc viện Âm nhạc Huế, Tĩnh trở thành thầy giáo dạy nhạc và là giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An.
Trong môi trường giáo dục, có năng khiếu về âm nhạc, Tĩnh lại biến giảng đường thành nơi thực hiện hành vi chống phá, tuyên truyền những sáng tác có nội dung sai lệch. Cùng với đó, Tĩnh thường lợi dụng các cuộc tụ tập để hát những nhạc phẩm có nội dung phá hoại tư tưởng, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như “Việt Nam tôi đâu”, “Xin hỏi anh là ai”, “Trả lại cho dân”… Trên cương vị giảng viên âm nhạc, Tĩnh còn đưa những bài hát này “phổ biến” trong sinh viên.
Tại sao một giảng viên âm nhạc, được đào tạo bài bản lại “trở cờ”, có các hoạt động chống đối? Tìm hiểu về nhân thân cho thấy, Tĩnh đã không giữ được bản thân mình, không thực hiện đúng nghĩa vụ với tư cách một công dân cũng như với cương vị người thầy. Tĩnh đã trượt và ngày càng lấn sâu vào con đường phạm pháp dưới sự dẫn dắt, mua chuộc của đối tượng xấu. Nguyễn Năng Tĩnh tham gia nhiều tổ chức có hoạt động chống phá Việt Nam như “Bảo vệ sự sống”, “NoU FC Vinh”, “Quỹ phát triển con người”, “Truyền thông công giáo”…
Qua mạng xã hội, Tĩnh có mối quan hệ với nhiều phần tử xấu trong và ngoài nước. Thông qua mạng xã hội, Nguyễn Năng Tĩnh đã đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc nhằm mục đích chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bôi nhọ vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; kích động người dân biểu tình, chống chính quyền…
Trường hợp được “vinh danh” khác là Nguyễn Văn Hóa, cũng là một đối tượng có hành động chống đối quyết liệt. Nguyễn Văn Hóa đã sử dụng mạng xã hội tuyên truyền, phát tán các tài liệu có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân. Qua đó, truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng; gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn, chống phá Nhà nước Việt Nam. Dù bị kết án và phải chấp hành án phạt tù nhưng Nguyễn Văn Hóa vẫn tiếp diễn nhiều hoạt động chống đối, đặc biệt là sử dụng chiêu trò tuyệt thực trong trại giam để gây sức ép với chính quyền.
Năm 2019, có 3 cá nhân được tổ chức này “vinh danh” là Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Lê Công Định. Mặc dù bản thông báo cho biết buổi lễ “vinh danh” 3 cá nhân này được tổ chức long trọng tại trụ sở Thượng viện Canada nhân Ngày Quốc tế nhân quyền lần thứ 71, song nó vẫn không khiến người ta quên rằng, 3 cá nhân đó đều đã từng chịu những bản án tù với các tội danh như “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”, “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Với những nhân vật như vậy nhận thưởng, rõ ràng “giải thưởng nhân quyền” được trao chẳng phải nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển của nền dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam như mạng lưới này rêu rao mà nó chỉ là một màn kịch để hợp thức hóa hoạt động chống phá chính quyền.
Thực tế, một giải thưởng muốn có vị thế, có uy tín, được công nhận thì trước hết, các cơ quan chủ trì tổ chức giải phải là đơn vị có uy tín. Vậy nhưng các tổ chức đang tiến hành trao các giải thưởng dưới vỏ bọc “nhân quyền” lại không hề có tính chính danh. Tổ chức MLNQVN thực chất chỉ là một tổ chức bất hợp pháp do các đối tượng chống phá Nhà nước Việt Nam lập ra.
Núp dưới chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, tổ chức này đã đạo diễn hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, như lập website, mạng xã hội để tuyên truyền thông tin chống phá Việt Nam; tích cực vận động một số dân biểu, nghị sĩ Mỹ không có thiện cảm với Việt Nam thực hiện các hoạt động bảo trợ; gửi “thư ngỏ” cho một số quan chức nước ngoài nhằm kêu gọi sự can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Tổ chức này còn núp dưới danh nghĩa đấu tranh cho các “tù nhân tôn giáo”, “tù nhân chính trị” hoặc “tù nhân lương tâm” để tiến hành chống phá…
Do đó, việc trao giải thưởng chỉ là vở kịch để đánh bóng tên tuổi và giúp sức về mặt tinh thần cũng như vật chất cho các đối tượng chống đối trong nước. Đáng tiếc, dù bản chất cái gọi là giải thưởng nhân quyền đã được lật tẩy và dư luận lên án từ lâu nhưng một số kẻ vẫn bị ảo tưởng, vẫn bị chi phối bởi các động cơ cá nhân mà “cậy sức cây đu nhiều chị nhún/ tham tiền cột mỡ lắm anh leo”…
Nguyễn Thành/CAND