Chí có kẻ bất trí mới cố tình tách rời tôn giáo với dân tộc!
Thời gian qua, các phần tử xấu, thế lực thù địch coi vấn đề tôn giáo là một trong những “mảnh đất màu mỡ” để lợi dụng xuyên tạc, chống phá. Bằng các phương thức, thủ đoạn nham hiểm, chúng một mặt xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo, mặt khác chúng công kích, hướng lái, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam là “dịp tốt” để những kẻ cơ hội, thù địch tung ra những giọng điệu hằn học, xuyên tạc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng hết dựng chuyện “chính quyền Việt Nam không cho phép tôn giáo được sinh hoạt độc lập”, đến rêu rao “Phật giáo bị đặt lên đầu chiếc vòng kim cô thắt chặt thứ mà họ đã từng đổ máu để tranh đấu: quyền tự do tôn giáo”… hòng chia rẽ, tách rời Phật giáo với dân tộc Việt Nam. Quả thật chỉ có những kẻ bất trí mới vu cáo, xuyên tạc như vậy! Tại sao?
Đảng, Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta nhấn mạnh: “Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”, “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc” và “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”.
Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự. Đối với Phật giáo, từ khi được thành lập, thống nhất đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển mọi mặt cả về tổ chức giáo hội và công tác đào tạo tăng tài, đội ngũ tăng, ni tăng nhanh về cả số lượng và chất lượng. Hiện nay trên toàn quốc có hơn 18.000 cơ sở tự viện; trên 54.000 tăng ni và hàng chục triệu tín đồ Phật tử tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện. Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn là thành viên của các tổ chức tôn giáo lớn như: Liên Minh Phật giáo thế giới (Ấn Độ), Hội Phật giáo Thế giới truyền bá Chánh pháp, Hội đệ tử Như Lai Tối thượng (Sri Lanka), Ủy ban Quốc tế Đại lễ Vasak Liên Hợp Quốc (Thái Lan), Ủy ban Đại học và Cao đẳng Phật giáo Thế giới tại Thái Lan, Hội Sakyadhita thế giới… Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ các bậc danh tăng mang đạo hạnh và trí tuệ của mình phò vua, giúp nước đến hình ảnh tu sỹ Phật giáo cởi áo cà sa khoác áo lính trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, hay những tăng ni, phật tử trong màu áo blouse trắng nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 là những hình ảnh cao đẹp, minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam. Đó là việc hiện thực hóa đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh… Bằng chứng đã rõ rành rành nhưng các phần tử xấu, thế lực phản động, bằng con mắt thù hằn vẫn cố tình không thừa nhận, tìm mọi cách để xuyên tạc, hòng tách rời tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng ra khỏi lòng dân tộc Việt Nam. Đây chỉ có thể là hành vi của những kẻ bất trí mà thôi!
Mộc An