Không thể lợi dụng dịch Covid-19 để xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế và đời sống xã hội, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các lực lượng và toàn dân đã sẻ chia, chung sức, đồng lòng, huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh, ổn định cuộc sống nhân dân. Thế nhưng, dưới vỏ bọc “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực thù địch tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ nhằm phủ nhận những thành quả phòng, chống dịch của đất nước. Đó là điều không thể chấp nhận được.
Vừa qua, lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, tạo nhiều phát sinh mới, chưa có tiền lệ, gây nhiều khó khăn, xáo trộn nền kinh tế và đời sống nhân dân, các nhà “dân chủ” vin cớ “bảo vệ nhân quyền” đẩy mạnh dàn dựng các “kịch bản” tuyên truyền, xuyên tạc một cách công phu, tỉ mỉ, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt, nhằm đánh lạc hướng dư luận, nói xấu Đảng, Nhà nước, tạo tâm lý bi quan, hoài nghi, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Họ rêu rao: “Việt Nam đối diện khủng hoảng kinh tế, xã hội toàn diện, chỉ biết phong tỏa mặc dân sống chết ra sao”; “không hỗ trợ cứu đói cho dân mà còn tận thu vơ vét tiền của dân”; thâm hiểm hơn, họ còn tung ra những video phỏng vấn ý kiến của những người lao động nghèo chưa được nhận hỗ trợ từ chính quyền để vu khống rằng “người nghèo không được hỗ trợ”, “chỉ có dân giúp dân, không thấy chính quyền đâu”, v.v. Từ đó, họ quy chụp là “Việt Nam đang lợi dụng Covid-19 để vi phạm nhân quyền”.
Vậy sự thật ở đây là gì? Đằng sau sự xuyên tạc ấy nhắm vào ai; mưu đồ của họ ra sao,… thực tiễn sẽ là minh chứng xác thực nhất. Như mọi người thấy rõ, đại dịch Covid-19 đã không chừa một quốc gia nào, nó không chỉ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế – xã hội trên khắp thế giới, mà còn khiến cho sự nỗ lực đảm bảo cuộc sống cũng như quyền con người ở các quốc gia, dù ở mức độ phát triển nào, đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ba quyền cơ bản: quyền sống, quyền lao động và quyền tự do. Ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chủ trương sát đúng cùng các giải pháp phù hợp, với tinh thần đoàn kết của dân tộc, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới; qua đó, đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, các quyền cơ bản của con người luôn được coi trọng và đảm bảo.
Về quyền sống, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang lúng túng trong việc lựa chọn chiến lược để đối phó với Covid-19 thì Việt Nam xác định: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết. Với quan điểm vì nhân dân phục vụ, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng và Nhà nước ta đã có những biện pháp mạnh mẽ, toàn diện, trước mắt có thể chịu thiệt hại về kinh tế, song bằng mọi giá phải bảo vệ tính mạng nhân dân. Thực hiện nhất quán quan điểm đó, Đảng và Nhà nước không để cho các nhóm người yếu thế bị thiệt thòi, chúng ta đã phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi tổ chức, mọi lực lượng, huy động mọi nguồn lực trong xã hội với phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”1. Một mặt, các gói an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được nhanh chóng quyết định và triển khai một cách đồng bộ, thiết thực. Mặt khác, hưởng ứng sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phong trào tương thân tương ái, sẻ chia, đùm bọc đã lan tỏa rộng khắp cả nước. Những thuật ngữ mới, mang tính nhân văn đã xuất hiện và đi thẳng vào truyền thông quốc tế, như: “ATM gạo”, “ATM ô xy”, “Cửa hàng 0 đồng”,… đã làm cho cả thế giới thán phục với tinh thần và tấm lòng người Việt Nam.
Chính phủ luôn bám sát thực tiễn, nắm chắc diễn biến, bất kể ngày đêm và trong nhiều tình huống khẩn cấp, kịp thời ban hành chỉ thị, nghị quyết, công điện, “thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống phù hợp với tình hình diễn biến dịch Covid-19. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước,… từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”. Ban Chỉ đạo phòng, chống các cấp luôn tận tâm, tận lực, túc trực chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện liên tục 24/24 giờ cho đến khi mọi việc được kiểm soát an toàn. Tất cả các cấp, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội đã vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao nhất, đoàn kết, đồng lòng và hành động quyết liệt vì mục tiêu tối thượng là bảo vệ tính mạng, sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Bất chấp mọi gian nguy, vất vả, hàng vạn y, bác sĩ, tình nguyện viên, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ luôn xung kích, có mặt trên tuyến đầu chống dịch, ở tâm điểm của những nơi khó khăn nhất cùng chính quyền cơ sở, trực tiếp tiến hành và hướng dẫn, động viên nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trở thành điểm tựa niềm tin, gắn kết chặt chẽ tình cảm quân – dân, khắc sâu hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, người chiến sĩ Công an nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Trong bất kỳ tình huống nào, Đảng, Nhà nước luôn hành động vì lợi ích quốc gia – dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc, bịa đặt dẫu có tinh vi đến đâu cũng đều bị chính những kết quả thực tiễn sinh động bác bỏ.
Về quyền lao động, trước những diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh Covid-19 với số lượng ca nhiễm, ca tử vong cao, Đảng, Chính phủ thực hiện nhất quán quan điểm “lấy tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”2, bằng mọi biện pháp không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, bảo đảm phân phối lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, ổn định đời sống của người dân, nhất là người dân ở những khu vực phong tỏa, cách ly, giãn cách. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội; thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu đói, rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” hoặc tính mạng bị đe dọa. Đặc biệt, luôn coi trọng chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất việc làm do dịch bệnh Covid-19 và lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP, “về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” với tổng số tiền hỗ trợ lên đến 26.000 tỉ đồng. Các gói hỗ trợ này đã nhanh chóng đến tận tay người lao động, người yếu thế trong xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hàng trăm nghìn túi hàng an sinh, gói thực phẩm cứu trợ được trao trực tiếp đến từng hộ gia đình; hàng chục nghìn tỉ đồng mà doanh nghiệp, người dân cả nước quyên góp đã được chuyển đến đúng người, đúng nơi. Sát cánh, đồng hành cùng chính quyền và cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về các địa phương nơi tâm dịch với tất cả tình cảm chân thành, tinh thần tương thân, tương ái và sự góp sức, sẻ chia sâu sắc nhất để cùng chiến thắng dịch bệnh. Mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” là xuyên suốt, nhất quán, được Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thực hiện triệt để, hiệu quả ngay từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Hơn thế, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, “lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch”, “chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân”. Không chỉ trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh mà bất luận trong hoàn cảnh nào, người dân luôn được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng bảo vệ, bảo đảm cả về tính mạng, tài sản và điều kiện sống.
Về quyền tự do, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự rối loạn, hạn chế, và thậm chí là tê liệt các quyền: đi lại, học tập, hội họp, tín ngưỡng,… của người dân ở các quốc gia mà nó lan tới. Hầu hết các quốc gia, kể cả các quốc gia có độ mở cao, thậm chí ban đầu có sự lựa chọn thiên về miễn dịch cộng đồng, rút cuộc đều phải tạm đóng cửa biên giới. Ở các mức độ khác nhau và ở các thời điểm khác nhau, các nước buộc phải ban bố lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, yêu cầu giãn cách xã hội. Đây là thực trạng chưa từng có tiền lệ, nó tác động sâu sắc, tiêu cực đến tâm lý xã hội, con người trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng đã là xu thế lớn trong nhiều thập kỷ qua. Trong điều kiện như vậy nhưng đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ đã chủ động liên hệ, sắp xếp và tổ chức hàng trăm chuyến bay trợ giúp kiều bào rời khỏi vùng dịch về nước an toàn. Ở trong nước các phương án giãn cách, cách ly, thể hiện sự quyết đoán, quyết tâm của nhà nước để dập dịch, đảm bảo an ninh xã hội và sức khỏe người dân. Tuy nhiên, có thời điểm, do dịch diễn biến nhanh, với nhiều biến thể phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cả cộng đồng và kèm theo nhiều vấn đề mới phát sinh, chưa có tiền lệ, v.v. Trước tình hình đó, Chính phủ chủ trương mạnh dạn áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm: không cầu toàn, làm đến đâu rút kinh nghiệm đến đó, lấy việc kịp thời cứu chữa, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân là trên hết, trước hết. Đặc biệt, thời gian gần đây, để phù hợp với trạng thái bình thường mới, các phương án phòng, chống dịch đã thể hiện tính linh hoạt, vừa thực hiện phong tỏa, cách ly “diện hẹp” những nơi có yếu tố dịch tễ, vừa bảo đảm đi lại, sinh hoạt và sinh kế của doanh nghiệp, người dân, v.v. Song những nhà “dân chủ” lại xuyên tạc rằng: việc thực hiện siết chặt giãn cách ở một số địa phương là “biện pháp sai lầm, phi khoa học”, cho rằng quyết định này sẽ là thảm họa; không thể coi “chống dịch như chống giặc” để nhốt dân, “tra tấn dân”,… từ đó vu cáo cách làm này “chỉ làm dịch lan rộng, dân chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì đói”. Đó còn là nạn tin giả, kẻ “nối giáo cho giặc” – với những đánh giá thiếu khách quan, đi ngược lại các tiêu chí bảo đảm quyền con người. Thực chất, việc áp dụng giãn cách xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Thực tế các đợt dịch trước ở Việt Nam đã chứng minh, thực hiện thông điệp 5K, áp dụng giãn cách xã hội vẫn là giải pháp chủ đạo để ngăn chặn sự lây lan bệnh, cùng với nỗ lực tiêm phòng vắc xin. Đây là cách thức khoa học, đúng đắn đã được các cấp chính quyền quyết liệt thực hiện, được nhân dân đồng tình ủng hộ, qua đó đã hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều nước trên thế giới cũng áp dụng quyết liệt phương pháp này và đã thành công ở từng mức độ cụ thể, cùng với việc tăng cường tiêm phòng vắc xin. Tại Việt Nam, với kết quả phòng, chống dịch hiệu quả, người dân Việt Nam vẫn được hưởng mọi quyền tự do một cách bình thường, đặc biệt là việc tự do đi lại và tự do thông tin. Người dân Việt Nam được tiếp nhận đầy đủ thông tin cập nhật từng ngày, từng giờ, thậm chí là từng phút về tình hình thế giới, nhất là tình hình dịch bệnh; Chính phủ luôn công khai, minh bạch mọi thông tin, mọi biện pháp phòng chống dịch để dân biết, dân hiểu và hưởng ứng, làm theo. Do đó, việc Việt Nam xử phạt các cá nhân, tổ chức phát tán thông tin sai lệch gây hoang mang cho nhân dân làm ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhằm ngăn chặn, làm cho nạn tin giả không còn “đất dụng võ”, bảo đảm cho người dân hiểu và tin vào các giải pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, chính quyền các cấp. Đó không phải là Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, vi phạm nhân quyền như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trong bức tranh chung toàn cầu, Việt Nam, một quốc gia ở mức phát triển trung bình thấp đã phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và hơn thế nữa, đảm bảo tốt quyền con người cho nhân dân. Là người Việt Nam chân chính, không ai là không hiểu được sự thâm hiểm và ý đồ phá hoại của những nhà “dân chủ” và các thế lực thù địch phản động. Cho dù cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm của toàn Đảng, các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân chúng ta nhất định thắng lợi, như niềm tin mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong Lời kêu gọi phòng, chống đại dịch Covid-19: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”.
PHIẾM ĐÌNH/TCQPTD
___________
1 – “3 trước”: Chủ động nhận diện trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước. “4 tại chồ”: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; hậu cần tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ.
2 – Công điện số 1102/CĐ-TTg, ngày 23/8/2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc”.