Khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Phương Hằng theo Điều 331 Bộ luật Hình sự có gì không thỏa đáng?
Mới đây, trước việc Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân (theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), ngay lập tức, các tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, RFA, VOA và các đối tượng “dân chủ” như Phạm Minh Vũ đồng loạt đã đăng tải hàng loạt các bài viết cố tình gán ghép, chính trị hóa vụ việc này, cho rằng Nguyễn Phương Hằng bị bắt là do đã đụng chạm đến lãnh đạo và việc khởi tố Nguyễn Phương Hằng với tội danh này là không đúng, không thoả mãn vì Điều 331 Bộ luật Hình sự chỉ dành xử lý những kẻ mà chúng gọi là “bất đồng chính kiến”, “bị nhà cầm quyền cho là tuyên truyền chống nhà nước với hoạt động lật đổ”… Thật là luận điệu tráo trở quen thuộc của bè lũ chống phá!
Thứ nhất, tự do ngôn luận là quyền của tất cả mọi người, được quy định cụ thể trong Hiến pháp và được Đảng, Nhà nước ta bảo đảm trên thực tế. Tuy nhiên, tự do ngôn luận không có nghĩa là tự do vô tổ chức mà phải đi kèm nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với những phát ngôn do mình đưa ra, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, tổ chức, cá nhân khác, kể cả trong đời sống thực tế hay trên không gian mạng. Theo cơ quan chức năng, Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng các chức năng của mạng xã hội tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp (livestream) có nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư người khác; trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Dù cho cơ quan chức năng đã nhiều lần mời Nguyễn Phương Hằng lên làm việc để cảnh báo, răn đe và yêu cầu chấm dứt hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân nhưng bà ta vẫn tránh né, không chấp hành. Không những thế, Nguyễn Phương Hằng còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khi tổ chức nhiều hoạt động tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Những hành vi trên không phải là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì là gì?
Thứ hai, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng thế, muốn bảo đảm an ninh trật tự để phát triển đất nước thì chắc chắn phải có chế tài để xử lý những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật. Một khi đạo đức không còn đủ khả năng điều chỉnh hành vi của các cá nhân cho đúng chuẩn mực, thì lúc ấy những quy chế, đạo luật sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình một cách nghiêm khắc nhất. Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Nghị định 15 và Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chính là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, xử lý những kẻ chuyên lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xuyên tạc, kích động, chống phá chế độ, Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Việc cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, tạm giam Nguyễn Phương Hằng để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì chẳng có gì để bàn cãi cả! Những kẻ cố tình gán ghép, vu vạ rằng Điều 331, Bộ luật Hình sự chỉ để xử lý các đối tượng “bất đồng chính kiến” càng cho thấy não trạng có vấn đề của chúng mà thôi.
Quỳnh An