Việt Tân lại xuyên tạc công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam
Mới đây, báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 cho biết, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật…
Những con số trên cho thấy, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được Việt Nam đẩy mạnh quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng tăng cường và củng cố niềm tin và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân với Đảng, chế độ. Tuy nhiên, bất chấp những kết quả đáng ghi nhận trên, các tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí, thù địch với Việt Nam, nhất là tổ chức phản động Việt Tân vẫn không ngừng xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam; vu khống Việt Nam không có tự do báo chí, tự do biểu tình và cho rằng Việt Nam phải thực hiện đa nguyên, đa đảng mới có thể phòng ngừa tham nhũng. Thật là những luận điệu hết sức phi lý, nực cười. Bởi vì sao?
Thứ nhất, theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2021 được công bố hồi cuối tháng 01 năm 2022, điểm CPI trung bình của toàn cầu là 43/100 điểm, tương đương có hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá dưới 50 điểm trên thang điểm 100 về tham nhũng. Nghiên cứu của TI chỉ ra, trong gần một thập kỷ qua, hầu hết quốc gia đạt được rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tham nhũng. Theo tổ chức này, tham nhũng là tệ nạn nhức nhối, xảy ra với nhiều quốc gia trên thế giới, trong số đó đa số là các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”, do giai cấp tư sản lãnh đạo; một số nước theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền như: Colombia, Brazil, Malaysia…thuộc nhóm “nước tham nhũng nghiêm trọng”, thậm chí ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, tình trạng tham nhũng còn xảy ra ở cấp nguyên thủ. Như vậy, tham nhũng, suy thoái là hiện tượng mang tính xã hội, là vấn nạn chung của tất cả các quốc gia, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, không phân biệt chế độ xã hội, thể chế chính trị. Đó là lý do vì sao Liên hợp quốc có hẳn Công ước về chống tham nhũng và lấy ngày 09/12 hằng năm làm Ngày Quốc tế chống tham nhũng (International Anti-Corruption Day – IACD).
Thứ hai, tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, biểu tình là những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm thực hiện trong thực tế. Tuy nhiên, thực hiện quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, biểu tình nói riêng không đồng nghĩa với việc tự do không hạn định, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cá nhân, tổ chức khác và tuyên truyền chống Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, biểu tình để vu khống, xuyên tạc, tập hợp người dân, nhất là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, bất mãn với chính quyền… tham gia đình công, biểu tình gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Việt Nam tôn trọng, quan tâm thực thi nhân quyền nhưng không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng, biến nhân quyền trở thành công cụ chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Việc tổ chức phản động Việt Tân cũng như các tổ chức, cá nhân khác cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật và cho rằng Việt Nam vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, biểu tình là xuyên tạc trắng trợn tình hình nhân quyền ở Việt Nam, bao che, dung túng cho những phần tử chống đối thực hiện các hành vi sai trái. Đây là hành động hết sức nguy hiểm, cần phải bị đấu tranh, vạch trần và loại bỏ!
Mộc An