GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.” Trong giai đoạn hiện nay, để tăng cường và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chúng ta cần nhận diện rõ bối cảnh mới, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó đề ra định hướng, giải pháp phù hợp.

Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta. Đặc biệt, sau khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác này được triển khai ngày càng bài bản, thống nhất, đồng bộ, toàn diện, quyết liệt, đi vào chiều sâu… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn một số hạn chế như: Công tác định hướng thông tin tuyên truyền có thời điểm còn mang tính chung chung, chưa đi sâu, cụ thể vào những vấn đề, chủ đề trọng tâm cần tập trung đấu tranh, phản bác, nên hạn chế trong việc định hướng dư luận; một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan báo chí, nhất là đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm được dư luận xã hội quan tâm dẫn đến việc thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí có trường hợp chưa đầy đủ, chính xác; việc phối hợp, tổ chức lực lượng đấu tranh phòng, chống các thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch có lúc, có nơi, có việc thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ; nội dung, hình thức đấu tranh phản bác trên các phương tiện thông tin đại chúng chưa đa dạng, sâu sắc; công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chưa được tiến hành một cách có hệ thống, hiệu quả chưa cao; còn nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa quan tâm, mạnh dạn chia sẻ các thông tin, bài viết đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng người dùng mạng xã hội…

Ngày nay, đất nước ta ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu to lớn, các thế lực thù địch, phản động lại càng hằn học, điên cuồng tìm mọi cách để chống phá. Chúng sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phủ nhận nền tảng tư tưởng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, tạo ra “khoảng trống” về tư tưởng, lý luận nhằm đưa ý thức hệ tư sản thâm nhập ngày càng sau rộng vào đời sống nhân dân, tiến tới xoay chuyển quỹ đạo phát triển của Việt Nam đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là âm mưu thâm độc liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ ta… Trước sự chống phá quyết liệt ngày càng tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, trong thời gian đến chúng ta cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ ba, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tập trung kiện toàn, xây dựng, phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh; xây dựng và duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước và của cơ quan, đơn vị mình công tác; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân khi tham gia mạng xã hội; không lưu trữ, cung cấp, đăng tải, tán đồng, chia sẻ, phát tán những thông tin xấu, độc, giả mạo, xuyên tạc, vu khống… trên không gian mạng; kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, trước hết là người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

Thứ năm, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Xây dựng các tổ chức chính trị xã hội vững mạnh toàn diện, hoạt động có hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh ở các cơ quan, đơn vị, địa phương với những phong trào cách mạng rộng khắp tạo tiền đề, điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng con người mới, chống sự xâm nhập và nảy sinh các quan điểm, tư tưởng phản động, phản văn hóa trong đời sống tinh thần của xã hội.

(BV)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *